Bác sĩ khuyên gì cho cánh mày râu gặp "bệnh khó nói"?
Theo các chuyên gia khi rơi vào các bệnh khó nói cách để mày râu chữa bệnh hiệu quả nhất là sự cởi mở và chia sẻ của vợ.
Người bệnh mắc bệnh khó nói cần có sự đồng hành của bạn đời.
Bệnh nhân Vũ Quốc Hải, 42 tuổi, trú tại thành phố Hưng Yên, tìm đến bệnh viện khám nam khoa với lý do trục trặc trong chuyện vợ chồng đã lâu.
Anh Hải đi cùng với vợ. Theo như chia sẻ của vợ anh, khoảng 3 năm nay chuyện chăn gối của vợ chồng anh không còn được như trước. Anh Hải thường bị xuất tinh sớm, mỗi lần gần gũi được 2 – 3 phút, anh không có nhu cầu sinh lý.
Vợ anh thường xuyên càu nhàu về chuyện chồng hờ hững, có lúc chị nghi ngờ cho rằng chồng có bồ bên ngoài. Chị còn lên kế hoạch tìm đủ các biện pháp theo dõi, kiểm soát chồng và mỗi kế hoạch chị làm khiến tình trạng rối loạn cương dương của anh càng nặng lên.
Chỉ đến khi anh Hải nói thẳng với vợ về chuyện anh bị trục trặc thật chứ chẳng phải vì bồ bịch và hành động của chị khiến anh tự ái, bệnh càng nặng thêm. Lúc này, vợ anh Hải mới tìm cách để thay đổi cư xử và cùng chồng vượt qua khó khăn về mặt tâm lý.
Ban đầu, chị thường xuyên khuyên anh đi tìm bác sĩ. Anh Hải nói ngại, chị vận động anh rồi đi bệnh viện cùng anh. Lần đầu tiên hai vợ chồng lên Hà Nội khám bệnh lại là bệnh khó nói khiến anh Hải e dè không thể kể hết ra được. Vợ anh khéo léo giúp chồng cởi từng nút thắt câu chuyện với bác sĩ.
Hành trình chữa bệnh khó nói của anh kéo dài nửa năm trời nhưng nhờ có sự đồng hành của vợ mà anh cảm thấy thoải mái hơn. Anh cười “ngày trước chỉ đau ốm người ta mới coi là có bệnh cần chữa nhưng khi mắc bệnh khó nói anh thấy chữa cũng mệt, cần rất nhiều yếu tố tâm lý mới thấy tốt hơn”.
Từ chỗ bị xuất tinh sớm, đến nay anh Hải đã làm chủ được chuyện vợ chồng mình. Sau những ngày tháng này, vợ chồng anh cảm thấy khăng khít hơn, cảm thông cho nhau nhiều hơn.
Hay như trường hợp của anh Trần Mạnh Hà – 32 tuổi, Cầu Diễn, Hà Nội là điển hình. Hai vợ chồng cưới nhau gần 2 năm không có con, vợ anh Hà đã đi kiếm tra sức khoẻ bình thường, chị về vận động chồng đi kiểm tra nhưng anh Hà vẫn kiên quyết không đi. Anh cho rằng đến viện xếp hàng, lại khám nam khoa “vạch áo cho người xem lưng” anh rất ngại nên không chịu đi.
Chỉ đến khi gia đình gây sức ép lên người vợ anh yêu thương. Họ nói bóng nói gió có khi trước chị phá thai, sử dụng thuốc tránh thai nhiều nên giờ mới khó có con khiến vợ anh bị tổn thương anh Hà mới chịu cùng vợ đến bệnh viện.
Khi đến viện khám, anh chỉ im lặng chẳng chia sẻ gì, may vợ anh đã hiểu từ trước nên chị thay chồng “kể bệnh”. Đến khi kiểm tra tinh trùng, bác sĩ chẩn đoán anh bị dị dạng tinh trùng, một bệnh lý gây vô sinh ở nam giới hiện nay và các bác sĩ cho biết để sinh con được, anh Hà phải sử dụng các biện pháp can thiệp như lọc rửa, chọn tinh trùng khoẻ khoắn, lành lặn làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Để chữa bệnh cần sự đồng hành
Bác sĩ nam khoa Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tâm sự hàng ngày ông gặp rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh khó nói, mỗi người họ có một trục trặc khác nhau nhưng tất cả đều mang nỗi mặc cảm, tự ti và khi bị nhắc tới chuyện yếu của họ là họ cảm thấy tự ái.
Nhiều người cứ giấu vợ đi khám, chữa mãi cũng chả ăn thua vì vợ không hiểu cứ chì chiết, so sánh rồi này nọ khiến tâm lý căng thẳng, chuyện vợ chồng càng suy giảm.
Tuy nhiên, bác sĩ Lợi cho biết sự đồng hành của người vợ là bài thuốc tâm lý để giúp mày râu chữa bệnh khó nói thành công. Không ở đâu mà cánh mày râu lại trở thành phái yếu như các phòng khám nam khoa nên vợ, người bạn đời không chia sẻ cùng với họ thì rất khó khăn trong việc điều trị lâu dài.
Không chỉ riêng anh Hải, anh Hà mà hầu như tất cả đức lang quân bình thường khác khi đặt chân đến khoa nam học đều phải dựa vào người phụ nữ đi bên cạnh như một bệ đỡ cần thiết.
Trường hợp của anh Hải suốt buổi khám chỉ có người vợ trình bày tình trạng sức khỏe của ông chồng, còn người chồng ngồi bên cạnh im thin thít giống như đứa trẻ to xác gây ra tội lỗi tày đình.
Bác sĩ Lợi cho biết tâm lý chưa vượt qua được bản lĩnh đàn ông khiến nhiều người có cảm giác mặc cảm, tự ti, dẫn đến phủ nhận bệnh tật. Những bệnh nhân luôn có cảm giác muốn trì hoãn điều trị. Chính vì thế, sự song hành, cảm thông của người vợ chính là bài thuốc thành công cho nam giới.
* Tên nhân vật đã thay đổi