Bác sĩ khuyên bạn cách xử trí đúng và hiệu quả khi bị sốt xuất huyết
Trong tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng. Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa, bởi vậy nó như một căn bệnh ‘đến hẹn lại lên’.
Sốt xuất huyết là căn bệnh nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Làm sao biết mình đã bị sốt xuất huyết?
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị.
Khi bị sốt bạn cần xét nghiệm máu để xem có phải là sốt xuất huyết hay không.
Sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng là sốt và xuất huyết, nặng có thể sốc, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng vào các tháng mùa mưa. Muỗi Aedes (thường ở nơi tối trong nhà và lùm cây) sau khi hút máu người mang virus Dengue, muỗi cái có thể ngay sau đó hút máu người lành nên làm lây truyền bệnh. Muỗi bị nhiễm virus Dengue có thể truyền bệnh suốt vòng đời của nó (khoảng 174 ngày).
Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết không hẳn phải có xuất huyết mới được xem là nặng. Không ít trường hợp máu cô đặc, không xuất huyết cũng được xem là tình trạng nặng, thậm chí máu cô đặc thường dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị sốc. Đôi khi, bệnh nhân xuất huyết cần có sự phối hợp giữa các chuyên khoa điều trị. Bệnh nhân chảy máu cam cần phối hợp với chuyên khoa tai mũi họng, xuất huyết tiêu hóa cần nội soi để cầm máu, nếu rong kinh ở phụ nữ cần kết hợp điều trị với bác sĩ sản phụ khoa.
Quan trọng nhất là khi bị sốt, bạn cần xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân sốt. Xét nghiệm đơn giản này có thể phát hiện ra sốt xuất huyết ngay từ những ngày đầu và mọi bệnh tật đều dễ dàng xử lý hơn nhiều khi được phát hiện sớm. Việc xác định bệnh còn có ý nghĩa quan trọng bởi vì sốt xuất huyết cũng có những biểu hiện khá giống với bệnh khác, như cúm hay covid-19… Nếu chủ quan, đến ngày 4-5 của bệnh, lúc này máu có biểu hiện cô đặc hoặc tiểu cầu giảm nhanh mới nhập viện thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Thậm chí bệnh nhân còn phải đối mặt với tình trạng suy đa tạng, suy gan, suy thận, men gan tăng… cần phải lọc máu. Bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý các bệnh nhân mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, người già… bởi vì đây là các đối tượng dễ gặp phải biến chứng nếu như mắc sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 10/5 đến 17/5, thành phố (TP) ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với tuần trước (25 ca). Từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 667 ca mắc, 0 ca tử vong, số ca mắc tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023 (255 ca). Hiện Hà Nội còn 2 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Thọ Vực, Bãi Tháp, Đồng Vân của huyện Đan Phượng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát véc tơ tại các ổ dịch này. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo các địa phương cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh... Đồng thời, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. |
Có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà hay không?
Bên cạnh việc điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, những kiến thức điều trị tại gia cũng có ích với mọi người.
Với những trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà, chỉ cần theo dõi nhiệt độ và các dấu hiệu toàn thân khác. Đó là lời khuyên của các bác sĩ. Tuy nhiên, người mắc sốt xuất huyết cần làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để biết số lượng tiểu cầu bao nhiêu. Nếu tiểu cầu xuống dưới 50g/L thì nên nhập viện.
Ngay ngày đầu đang sốt cao có thể dùng 40g cỏ nhọ nồi tươi rửa sạch, giã, uống, ngày thứ 3 khi hạ sốt thì sao cỏ nhọ nồi, sắc uống.
Khi mới mắc bệnh, cần có sự tư vấn của các thầy thuốc hướng dẫn cách điều trị tại nhà, chưa cần đến bệnh viện, tránh tình trạng quá tải hoặc lây nhiễm chéo. Nếu nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: Nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước (nước ép trái cây, rau má, rau diếp cá... hay dung dịch Oresol); Ăn nhẹ: Cháo, súp, sữa… Đặc biệt bệnh nhân bị sốt xuất huyết không tự ý mua thuốc tây uống, có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Nước ép trái cây rất có ích cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Giai đoạn hậu sốt xuất huyết cũng cần sự chăm sóc đặc biệt, đề phòng nguy cơ trụy mạch. Bệnh nhân cần được theo dõi sát sao, khi cần thiết phải nghĩ đến việc truyền dịch, trợ tim mạch, truyền tiểu cầu, truyền máu...
Người bệnh ở giai đoạn phục hồi, tức là khi hết sốt, nốt xuất huyết mờ dần thường có cảm giác mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ăn ngủ kém, đại tiện lỏng nát… việc chăm sóc bệnh nhân ở giai đoạn này đặc biệt cần chú trọng.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng: “Sốt xuất huyết có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt trong 2 tháng đầu tiên sau khi mắc bệnh”. Đột quỵ là một biến chứng thần kinh nghiêm trọng của sốt xuất huyết.
Với 4 chủng virus gây sốt xuất huyết thì mỗi người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời.
Nguồn: [Link nguồn]