Bác sĩ khóc khi bệnh nhân không ghép được tạng
Đối với các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức, những ca ghép tạng thành công là điều hạnh phúc vô cùng. Nhưng đằng sau niềm hạnh phúc ấy, còn nhiều nỗi đau không nói nên lời.
Hình ảnh ca ghép tạng ngày 5/9 vừa qua
Ám ảnh vì không thể ghép cho bệnh nhân
Ngày 5/9, tại Bệnh viện Việt Đức đã ghép thành tim, gan thành công cho hai bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối và ung thư gan giai đoạn cuối từ nguồn tạng hiến của một bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chuyển ra. Việc ghép tạng cứu hai người bệnh khiến các bác sĩ rất hạnh phúc. Nhưng phía sau thành công đó còn có một câu chuyện khác khiến các bác sĩ rơi nước mắt.
Mấy ngày sau ca ghép tạng, Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức vẫn chưa thể nào quên hình ảnh ông bố trẻ 32 tuổi bị ung thư gan đang chờ ghép gan. Nguồn ghép gan với các bệnh nhân ung thư gan vốn rất hiếm, nhưng khi có thông tin có người hiến tạng, hợp với các chỉ số HLA càng khó hơn.
Giáo sư Quyết kể, bệnh nhân còn rất trẻ, có con bé nên các bác sĩ đã chuẩn bị để cho bệnh nhân được phẫu thuật. Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị phẫu thuật thì bên chẩn đoán hình ảnh kết luận bệnh ung thư gan của bệnh nhân đã bị di căn sang phổi nên không thể tiến hành ghép gan. Lúc ấy, bệnh nhân khóc, người nhà khóc và bác sĩ cũng bật khóc.
Bệnh nhân may mắn được ghép gan có thể trở lại cuộc sống bình thường
Giáo sư Quyết tâm sự “Tôi không thể cầm nước mắt khi đứa trẻ con của anh ta nói rằng bố cháu không cứu được nữa à, làm sao để bố cháu khỏi bệnh”. Có lẽ những lời nói của con trẻ càng làm mọi người day dứt hơn. Khi biết ung thư đã di căn vào phổi, tôi là người đã trực tiếp nói với gia đình của họ.
Thực sự là một nỗi đau quặn tim khi không thể giúp mang trả cuộc sống khỏe mạnh của ông bố cho đứa con nhỏ của họ. Bệnh nhân ấy cũng như nhiều bệnh nhân chờ ghép tạng khác, mỏi mòn, chờ đợi quá lâu, đến khi có tạng thì đã không còn cơ hội vì bệnh quá nặng. Nhiều bệnh nhân đăng ký ghép nhưng đến khi chưa được ghép thì họ đã từ dã cõi đời này”.
Thiếu trầm trọng nguồn tạng
Giáo sư Quyết cho biết cần vận động, truyền thông thật nhiều để mọi người hiểu được giá trị nhân văn của hiến tạng. Một cuộc đời người mất đi vì tai nạn, chết não thì vẫn có thể cứu được bao nhiêu người. Thận, tim, gan, giác mạc… có thể giúp cho những người khác có cơ hội sống, cơ hội nhìn thấy cuộc đời.
Giáo sư Quyết cho biết mấy năm trước ngay trong một gia đình có người anh trai bị suy thận đang chờ thận để ghép thận. Tuy nhiên, người em trai không may mắn bị chết não do tai nạn giao thông nên đã không thể sống được. Lúc ấy, bệnh viện đã động viên nên hiến thận cho chính người anh đang bị suy thận phải chạy thận nhân tạo. Động viên, giải thích gia đình, vợ con đã đồng ý hiến. Nhưng chỉ có một người không đồng ý nên đã không thể lấy được thận để ghép cho chính người anh trai ấy. Cuối cùng, em cũng mất vì chết não còn anh mòn mỏi chạy thận.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, Việt Nam có số bệnh nhân chờ ghép tạng là hàng nghìn trường hợp và trong đó, phần lớn đều đã không có cơ hội để chờ đợi thêm bởi suy gan, suy thận, suy tim… đã đến giai đoạn cuối, không cho phép họ có nhiều thời gian để chờ đợi. Tại BV Việt Đức, trung bình mỗi ngày có 2 - 3 trường hợp chết não, trên cả nước có hàng nghìn trường hợp chết não mỗi năm.
Giáo sư Sơn nhấn mạnh bệnh nhân đã chết não thì không thể nào cứu được, ông khẳng định đã chết não là chết. Nhiều người nghĩ rằng chết não vẫn có cơ hội sống dù là sống thực vật. Chính vì thế, khi không may có người chết não chúng ta nên nghĩ đến việc hiến tạng để cứu những người không may mắn mắc phải các bệnh khác.
Hai bệnh nhân được ghép tạng đã khỏe lại, đằng sau những nụ cười ấy, ai ai cũng hi vọng càng ngày càng có người mạnh dạn đăng ký hiến tạng. Nếu một ngày điều không may mắn xảy ra thì có thể mang lại hi vọng sống cho người khác.