Bác sĩ kể chuyện 6 tiếng “cân não” phẫu thuật cho ca bệnh hiếm
6 tiếng đồng hồ với sự phối hợp của các bác sĩ ung bướu Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương và bác sĩ ngoại thần kinh để lấy khối u ở vị trí hiểm
U hiếm gặp
Có mặt tại khoa Ung bướu, Bệnh viện tai Mũi Họng Trung ương, nhiều bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ được phẫu thuật tại đây trong đó chủ yếu là ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến nước bọt, ung thư thanh quản, ung thư vùng hầu họng… nhưng trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Lý quê Anh Sơn, Nghệ Anh thì bị ung thư u nguyên sống. Một loại ung thư hiếm mà tế bào ác tính sinh ra từ trong bào thai còn sót lại.
Nguyễn Thị Thương con gái bệnh nhân vui mừng sau ca mổ 1 tuần mẹ chị đang hồi phục rất tốt. Chị Thương và gia đình cảm thấy yên tâm hơn vì khối u ác tính đã được lấy bỏ. Chị Thương kể cách đây gần 1 năm, mẹ chị thấy khó nói, khó thở, nên gia đình cho đi khám. Tuy nhiên, khi khám ở tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán bà bị xoang. Sau đó các dấu hiệu này ngày một nặng nề hơn và một phần bên cổ sưng to.
Đến đầu năm 2018, gia đình đưa bệnh nhân đi khám ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, sau chụp chiếu, các bác sĩ cho biết mẹ chị có khối u ở vùng cổ gáy. Lo lắng, chị quyết định đưa mẹ thẳng lên tuyến trên. Qua tìm hiểu, chị Thương đưa mẹ vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Kết quả, chụp CT, MRI cho thấy đó là khối u thành sau cổ.
Bác sĩ tư vấn chỉ duy nhất phương án mổ là mang lại hiệu quả điều trị, tuy nhiên tiên lượng cuộc mổ chỉ 50/50. Chị Thương cho hay, theo tư vấn của bác sĩ, đây là ca bệnh u hiếm vô cùng phức tạp nên nếu ca mổ không thành công, bệnh nhân có thể tai biến liệt nửa người, liệt toàn thân, mù lòa hoặc chảy máu não, thậm chí tử vong trên bàn mổ…
Sau khi cân nhắc về việc phẫu thuật, chị Thương và gia đình vẫn quyết định phẫu thuật cho mẹ chị. Ca mổ diễn ra ngày 26/4, cả gia đình thở phào nhẹ nhõm khi các bác sĩ thông báo ca mổ thành công. Hiện mẹ chị Thương có thể đi lại, dần ổn định và đang trong quá trình phục hồi.
6 tiếng “cân não”
PGS – TS Lê Minh Kỳ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết bệnh nhân L. tìm tới Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khi khối u đã to như trái bưởi. Trước đó, bệnh nhân đã khám ở một vài bệnh viện và hầu như họ không mổ vì đây là khối u nguy hiểm nằm “vắt” từ nền sọ xuống cột sống và đặc biệt, khối u còn “bao quanh” động mạch cảnh trong, nếu phẫu thuật có thể gây biến chứng nặng thậm chí bệnh nhân tử vong trên bàn mổ.
Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật bệnh nhân chỉ sống được một thời gian và chắc chắn sẽ tử vong. Trên thế giới chỉ ở các trung tâm y khoa lớn mới phẫu thuật được u này. Bệnh nhân cũng không có điều kiện để đi nước ngoài.
Sau hai lần hội chẩn với các bác sĩ ngoại Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ quyết định phối hợp thực hiện ca mổ cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài từ 9h sáng tới 2h chiều.
Bác sĩ Kỳ kể khi mổ, việc đầu tiên các bác sĩ phải thực hiện đó là bảo vệ động mạch cảnh của bệnh nhân đang bị khối u bao trọn quấn quanh. Bác sĩ mổ mở và bắt đầu “phóng tích” từng tý u một để lấy u giải phóng cho động mạch cảnh.
Để ca mổ thành công, không thể không kể đến các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ cũng hết sức hiện đại với dao mổ siêu âm, hệ thống nội soi có định vị 3 chiều không gian, bác sĩ có thể nhìn rõ từng chi tiết nhỏ nhất bởi vì khi mổ mở dù có “tinh mắt” thế nào thì việc định vị khối u và “vùng nguy hiểm” cũng rất khó khăn.
Nhiều năm cầm dao mổ vùng đầu cổ nhưng bác sĩ Kỳ vẫn “toát mồ hôi” với ca mổ này bởi chỉ sơ xuất chút nếu động vào động mạch cảnh, máu sẽ phun không cầm được như thế bệnh nhân sẽ tử vong.
Giải quyết xong khu vực của động mạch cảnh, đến phần thân sọ não không dễ dàng. Khi bác sĩ thực hiện lấy u trên phần não thì khối u mới chỉ “ăn” đến phần màng cứng của não, chưa vào thân não nếu vào tới thân não thì còn phức tạp hơn rất nhiều.
Cuối cùng, là lấy u vùng tuỷ sống cổ. U đã ăn sang cả đốt sống C1 nên bác sĩ Kỳ cho biết phải lấy u cẩn thận bởi nguy cơ liệt tứ chi của bệnh nhân rất cao nếu chạm vào tuỷ sống cổ của bệnh nhân.
Sau 6 giờ “toát mồ hôi” bước ra khỏi phòng mổ, bác sĩ Kỳ mới thở phào nhẹ nhõm. Có thể nói đây là ca mổ lấy bỏ khối u nguyên sống rất lớn ở vùng nền sọ-cột sống và cổ bên, lần đầu tiên được thực hiện thành công ở Việt Nam.
PGS Kỳ cho biết bệnh nhân này chỉ cần phải thực hiện thêm phẫu thuật “bắt vít” cố định đốt sống cổ 1 vào đốt sống cổ 2, để tránh ảnh hưởng tới vùng đầu cổ và có thể tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ ung thư khác như xạ trị.
Theo PGS Kỳ bệnh u nguyên sống là một bệnh lý ác tính do tế bào “còn sót lại” từ bào thai nên bệnh không thể phòng chống cũng như không có triệu chứng. Tế bào sót lại cứ sống chung và nó sẽ dần dần trở thành ác tính không phẫu thuật bệnh nhân sẽ tử vong khi u to và vỡ ra.
Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng hạ vị, đi ngoài khó, táo bón nhiều ngày, kèm theo bụng to nhanh.