Bác sĩ hồi sức COVID-19 ở TP.HCM: "Áp lực dồn dập và khủng khiếp"
Trung bình một ngày bệnh viện hồi sức COVID-19 tiếp nhận 50-60 bệnh nhân COVID-19 nặng, nhiều ca nguy kịch, đa phần lớn tuổi nhưng cũng có thanh niên chỉ 28 tuổi.
Mới đi vào hoạt động 4 ngày nay nhưng Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 được chuyển đổi công năng từ cơ sở 2 BV Ung bướu TP.HCM đã tiếp nhận 250 bệnh nhân.
Áp lực tuyến cuối khủng khiếp sau 10 ngày
Theo BS Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc BV, mỗi ngày BV tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân, nhiều ca nguy kịch nên áp lực dồn lên vai các y BS rất khủng khiếp.
Hiện trong số 250 bệnh nhân có 70 ca đang thở máy, các ca còn lại thở oxy dòng cao, oxy qua mask. 3 hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) từ BV Chợ Rẫy chuyển qua đã hoạt động hết công suất.
Ngay trong đêm qua, ekip của BV hồi sức COVID-19 đã qua BV điều trị COVID-19 Trưng Vương kịp thời can thiệp ECMO cứu một bệnh nhân bị suy hô hấp rất nặng và chuyển về. Lãnh đạo BV đang tính kế hoạch điều động một số máy ECMO từ các BV khác để sẵn sàng can thiệp cho bệnh nhân nặng.
Theo BS Linh, dự kiến trong vòng một tuần tới, BV sẽ tăng công suất tiếp nhận lên 550 giường, trong đó có 100 giường hồi sức tích cực.
Các bác sĩ bệnh viện hồi sức COVID-19 đang họp bàn công tác cứu chữa bệnh nhân nặng. Ảnh: BVCC
Không chỉ tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, BS Linh phải liên tục hội chẩn chuyên môn qua điện thoại với các đồng nghiệp để hướng dẫn chuyển viện an toàn, điều phối bệnh nhân nặng vào điều trị.
Cơ sở 2 BV Ung bướu có đặc thù các tầng lầu cách xa nhau nên di chuyển khá vất vả. Tiếp nhận bệnh nhân liên tục cùng khối lượng công việc nhiều nên các y BS không ai bảo ai tự choàng gánh công việc, không phân biệt nhiệm vụ.
“Nếu như ở nơi khác BS chỉ làm công tác chuyên môn thì ở đây BS rảnh tay có thể làm công việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm công việc của hộ lý, làm sao giảm thiểu áp lực và hoàn thành công việc nhanh chóng nhất” – BS Linh chia sẻ.
Từng chinh chiến ở những điểm nóng của dịch như Bắc Giang, Đà Nẵng, nhưng BS Linh thừa nhận cuộc chiến ở TP.HCM lần này khốc liệt hơn nhiều. Ở Bắc Giang, các ca bệnh chủ yếu trong các xí nghiệp, khu công nghiệp và được khoanh vùng nên không lan ra cộng đồng. Đa phần ca mắc trẻ, người có bệnh nền lớn tuổi mắc không nhiều và chỉ có chừng 5.000 đến 6.000 ca nên số ca diễn tiến nặng không quá nhiều.
Còn ở TP.HCM, dịch đã lan ra ngoài cộng đồng với số ca mắc lên vài chục ngàn ca đồng nghĩa số ca nặng cũng sẽ tăng. Ở BV hồi sức COVID-19, bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm hơn phân nửa. Cơ chế bệnh sinh của COVID-19 thường diễn tiến nặng sau 10 ngày nên áp lực dồn về tuyến cuối những ngày sau sẽ càng nhiều.
Đường dây nóng lúc nào cũng "nóng"
Sát cánh cùng BS Trần Thanh Linh, BS Huỳnh Quang Đại, Khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cũng được Ban giám đốc BV Chợ Rẫy điều động hỗ trợ BV hồi sức COVID-19 được một tuần nay.
Ngay những ngày đầu tiên, anh chịu trách nhiệm thiết lập các khoa phòng, phòng đệm, trang thiết bị y tế... cho bệnh viện hồi sức COVID-19. Công việc nối đuôi nhau không dứt khi vừa thiết lập xong một khoa thì bệnh nhân được đưa đến kín chỗ, phải khẩn trương thiết lập khoa phòng khác. Các y BS ở đây vừa phải đảm bảo cấp cứu số lượng bệnh nhân tăng nhanh vừa kiểm soát phòng chống nhiễm khuẩn, cực kỳ căng thẳng.
“Đường dây nóng do BS Linh phụ trách mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi, vô cùng áp lực khi chuông điện thoại reo liên tục không ngừng. Các cuộc gọi chủ yếu từ các BV dã chiến để chuyển bệnh nhân nặng. So với cường độ mà chúng tôi từng làm ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay Bắc Giang trước đây, lần này dữ dội và dồn dập hơn rất nhiều” – BS Đại chia sẻ.
Không chỉ vậy, khi có ca bệnh nặng cần can thiệp ECMO, các BS phải trực tiếp đến các BV để thực hiện kỹ thuật và đưa về BV hồi sức. Đơn cử vào đêm qua, nhận được tin một bệnh nhân ở BV Nguyễn Tri Phương nguy kịch, ekip đặt ECMO đã tức tốc lên đường và đưa bệnh nhân về hồi sức lúc 4 giờ sáng.
“Hiện có rất nhiều bệnh nhân nặng ở các nơi, nhiều trường hợp rất nguy kịch, nếu không can thiệp kịp sẽ tử vong. Một nhóm điều động đặt ECMO cần ít nhất là 4 BS chưa kể các điều dưỡng đi cùng. Không chỉ ngốn nhân lực mà còn phải chăm sóc theo dõi bệnh nhân sau đó cũng là một thử thách lớn” – BS Đại kể.
Các bác sĩ bệnh viện hồi sức COVID-19 đang dồn lực cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Ngoài ra, nhân sự hồi sức chi viện cho BV hồi sức cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay cả ở BV Chợ Rẫy, đội hồi sức rất mạnh nhưng cũng chưa đầy 20 BS và một nửa đã được chi viện cho BV hồi sức. Tương tự, nhân sự ở các BV khác cũng rất hiếm, do đó đội điều trị phải chia BS hồi sức ra và kết hợp các chuyên khoa liên quan hoặc chuyên khoa khác. Ngay cả BS chuyên khoa nội, ngoại dù chưa từng làm hồi sức cũng được điều động hỗ trợ.
BS Đại trăn trở đợt dịch này bệnh nặng rất nhiều, chủng Delta khiến bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, cả những người trẻ cũng diễn tiến rất nặng, có bệnh nhân chỉ mới 28 tuổi.
Mặc dù được bố trí nghỉ ở khách sạn nhưng BS Đại quyết tâm bám trụ để xử lý công việc và kịp thời có mặt hỗ trợ các khoa phòng bất kể giờ giấc. “Tinh thần của mọi người ai cũng rất quyết tâm, nỗ lực hết sức mình dù nhiều khi ra khỏi ca anh em gần như kiệt sức. Vô cùng mệt, nhưng nghỉ ngơi xong hôm sau lại lao vào công việc tiếp” - BS Đại trải lòng.
Giám đốc điều hành BV hồi sức COVID-19 kiêm Giám đốc BV Chợ Rẫy, BS Nguyễn Tri Thức, cho biết thời gian đầu hoạt động, BV còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị. Tuy nhiên với cơ chế mở từ Bộ Y tế và Thường vụ Thành ủy TP.HCM cho phép mua sắm, điều động kho dự trữ phòng chống dịch của Bộ Y tế về BV để kịp thời điều trị cho bệnh nhân nặng, BS Thức hi vọng sẽ khắc phục bài toán trang thiết bị. Bên cạnh đó, BV cũng cảm kích và hi vọng được các nhà tài trợ tiếp tục tài trợ vật tư y tế, thuốc men, suất ăn...
Ngoài điều động nhân sự hỗ trợ bệnh viện hồi sức COVID-19, BV Chợ Rẫy đã cử nhiều y BS chi viện các BV dã chiến, BV điều trị để hỗ trợ điều trị, hạn chế bệnh chuyển nặng, kịp thời phát hiện các bệnh nhân chuyển nặng.
Bên cạnh đó, BV cũng cử 4 BS xuống cắm chốt ở BV tầng thứ 2 của TP để nhận diện bệnh nhân trở nặng, đánh chặn từ xa, hạn chế bệnh nhân nặng phải chuyển lên.
“Nếu thụ động trông chờ bệnh nhân thở máy và chạy ECMO tới thì sẽ thất bại, do đó chúng tôi triển khai ngay cơ sở đánh chặn tầng tầng lớp lớp, đồng thời thiết lập đường dây hội chẩn online đến tất cả các BV điều trị để sẵn sàng hội chẩn online, cần thiết chuyển bệnh về ngay” - BS Thức nói.
“Khi chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng, cần tính đến cả tình huống xấu nhất, kịch bản xấu nhất để lên kế hoạch...
Nguồn: [Link nguồn]