Bác sĩ giải đáp mọi thắc mắc về bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em
Viêm gan cấp tính có các triệu chứng tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau như vàng da, vàng mắt, phân bạc mầu, có sự hủy hoại tế bào gan…
Thời gian gần đây có nhiều thông tin về căn bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. Từ những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10 năm 2021, tính tới ngày 10/5, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo 348 trường hợp mắc bệnh tại 25 quốc gia, tăng 70 trường hợp so với báo cáo của tổ chức này vào ngày 6 tháng 5.
Tại Việt Nam, tới nay hiện chưa có ca bệnh nào được ghi nhận trong phạm vi cả nước.
(Ảnh minh họa).
TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa – Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương giải đáp thắc mắc về bệnh viêm gan cấp tính.
Viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân là gì?
Viêm gan cấp là tình trạng gan mới bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, độc chất, các tình trạng rối loạn chuyển hóa, rối loạn huyết động, rối loạn miễn dịch hoặc các bệnh lý toàn thân… dẫn tới hậu quả là tế bào gan bị hủy hoại. Đa số các trường hợp viêm gan cấp có thể hồi phục sau khi loại trừ được tác nhân gây bệnh, một số ít diễn biến nặng, gây hậu quả suy gan không hồi phục và có thể tử vong, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến kéo dài dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan…
Theo WHO, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em có một số đặc điểm chung như sau:
Tuổi: trong lứa tuổi từ 0 – 16 tuổi. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn.
Có một hoặc nhiều các triệu chứng như sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy …
Có các triệu chứng tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau như vàng da, vàng mắt, phân bạc mầu, có sự hủy hoại tế bào gan (tăng nồng độ các enzyme của gan ở trong máu).
Không tìm thấy các nguyên nhân thông thường đã biết gây tổn thương gan.
Bệnh nhân có thể hồi phục sau điều trị hỗ trợ tích cực, tuy nhiên một số trường hợp diễn biến nặng gây suy gan không hồi phục, cần ghép gan và đã có những trường hợp tử vong.
Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, li bì hơn… cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Sự xuất hiện của một biến thể virus mới hay không?
Sự thay đổi và đáp ứng miễn dịch của trẻ sau mắc COVID-19, cũng như đáp ứng với với các virus thông thường khác.
Theo WHO, có 70% bệnh nhân trong nhóm viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở Anh và 50% số ca bệnh ở Mỹ phát hiện có Adenovirus chủng 41. Đây là loại virus đã được phát hiện từ 1953 với nhiều chủng và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan. Các tổn thương thường gặp nhất do Adenovirus là viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm não màng não… Sau Rotavirus, Adenovirus là nguyên nhân thứ 2 gây bệnh ở đường tiêu hoá với các triệu chứng ở dạ dày, ruột…. Ở trẻ nhỏ, các rối loạn tiêu hoá thường gặp do Adenovirus bao gồm tiêu chảy, nôn, buồn nôn. Theo các nghiên cứu trước đây, các bằng chứng trong xét nghiệm kháng thể cho thấy đa số trẻ nhỏ từng nhiễm Adenovirus ít nhất 1 lần trong giai đoạn từ 0 đến 4 tuổi. Trước đây, đã có báo cáo đơn lẻ ghi nhận 1 vài bệnh nhi có virus này gây tổn thương gan ở trẻ có suy giảm miễn dịch.
Tới nay chưa đủ bằng chứng để khẳng định Adenovirus là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm bệnh trẻ viêm gan cấp nói trên, tuy nhiên, việc ghi nhận sự có mặt của Adenovirus ở một số bệnh nhi cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong thời gian tới.
Virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) có phải là nguyên nhân gây bệnh hay không?
Tới nay, trong số 348 ca bệnh, một số trẻ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Có 10-18% các trẻ bị bệnh có bằng chứng đồng nhiễm virus SARS-CoV-2 và Adenovirus. Vai trò của virus SARS-CoV-2 trong việc gây bệnh chưa thực sự rõ ràng và tiếp tục cần được nghiên cứu.
Vắc-xin COVID-19 có phải là nguyên nhân gây viêm gan cấp không?
Đa số các trẻ bị bệnh là các trẻ thuộc độ tuổi nhỏ, chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19. Do đó, không thấy có mối liên quan giữa vaccine COVID-19 với viêm gan cấp.
Viêm gan cấp không rõ nguyên nhân được điều trị như thế nào?
Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chưa có điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, bao gồm cả các biện pháp hồi sức tích cực cho các trường hợp suy gan nặng như thay huyết tương, lọc máu liên tục…, và có thể ghép gan cấp cứu.
Mục tiêu nhằm điều trị hỗ trợ sớm cho trẻ để hạn chế mức độ tổn thương tới mức thấp nhất và tăng cường khả năng phục hồi chức năng gan và ghép gan trong trường hợp suy gan mất bù.
Ca bệnh viêm gan cấp có khả năng xuất hiện ở Việt nam hay không?
Xuất hiện các trường hợp bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Hiện nay, một số quốc gia châu Á đã báo cáo các ca bệnh như Nhật bản, Singapore, Indonesia.
Những lưu ý cho cha mẹ về phòng bệnh việm gan cấp cho trẻ nhỏ
Do tới nay, nguyên nhân tổn thương gan ở nhóm bệnh nhân này vẫn chưa rõ nên chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. Tuy vậy, cha mẹ trẻ không nên quá hoang mang lo lắng. Chúng ta cần bình tĩnh và chú ý để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa và tổn thương gan ở trẻ.
Những trẻ có những triệu chứng sốt, đau bụng, nôn – buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế.
Trong khi chờ các đợi các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh để có các biện pháp đặc hiệu, việc phòng bệnh cần tuân thủ theo nguyên tắc:
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh.
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng, bao gồm cả vaccine phòng viêm gan B, viêm gan A, vaccine COVID-19 khi có chỉ định.
Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho các trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt…).
Nguồn: [Link nguồn]
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định 348 trường hợp viêm gan không rõ nguồn gốc, khi nghiên cứu về khả năng liên quan đến adenovirus và COVID-19 đang được tiến hành.