Bác sĩ gia đình: Đang chờ bảo hiểm y tế
15 năm có mặt tại VN, y tế gia đình được biết đến chủ yếu qua lĩnh vực đào tạo. Cũng theo các chuyên gia y tế, mô hình bác sĩ gia đình còn lẻ tẻ và chưa đạt được hiệu quả.
Do vậy, Bộ Y tế đã có đề án xây dựng mô hình thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2012-2020 ở tám tỉnh và thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. TS Trần Quý Tường - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết:
- Việc triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình nhằm tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu và góp phần giảm quá tải ở bệnh viện. Người dân thay vì đến bệnh viện lớn để thăm khám những bệnh thông thường thì có thể tìm đến phòng khám bác sĩ gia đình để được thăm khám, tư vấn một cách liên tục và toàn diện. Bác sĩ gia đình cũng có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn và chăm sóc liên tục người bệnh sau khi đã được chăm sóc chuyên khoa. Ngoài ra, phòng khám bác sĩ gia đình còn có những dịch vụ như cung cấp các dịch vụ tham vấn các vấn đề sức khỏe thông thường, chăm sóc tại nhà...
Một ca khám bệnh cho trẻ em tại gia đình ở quận Long Biên, Hà Nội - Ảnh: Dương Ngọc
* Liệu phát triển mô hình này có đưa đến sự chồng chéo về chức năng giữa các hệ thống y tế?
- Không có sự chồng chéo vì bản chất của phòng khám bác sĩ gia đình là điều trị ngoại trú và theo dõi diễn biến bệnh tật. Phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám, chữa bệnh. Chúng ta đang tiến tới xây dựng mô hình bác sĩ gia đình này theo cả ba hướng: phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình ở trạm y tế phường xã, phòng khám bác sĩ gia đình ở bệnh viện đa khoa. Tuy nhiên sẽ có vấn đề phát sinh trong khâu thanh toán bảo hiểm ở những phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân. Do vậy, cần xây dựng quy chuẩn để phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân tham gia tập huấn, quy chuẩn thanh toán bảo hiểm y tế.
Hiện đề án trong quá trình chờ duyệt và nếu được thông qua sẽ tiến tới hoàn thiện các văn bản chính sách liên quan đến việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình, trong đó có bảo hiểm y tế.
TP.HCM: mới triển khai thí điểm TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, phụ trách bộ môn y học gia đình Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại TP.HCM mới triển khai thí điểm tại Bệnh viện Q. Bình Tân và Bệnh viện Q.10. Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, từ nay đến cuối năm 2012 sẽ cấp phép chính thức cho ba bệnh viện quận, huyện nữa để mở phòng khám bác sĩ gia đình. Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa giỏi. Bệnh nhân đến khám sẽ được tư vấn cặn kẽ, thường kéo dài 15-20 phút/lần khám. Bệnh nhân cần bác sĩ chuyên khoa để điều trị, bác sĩ gia đình sẽ giới thiệu bác sĩ chuyên khoa giỏi cho bệnh nhân khám chữa bệnh. Sau đó bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ gia đình thường xuyên trao đổi thông tin về bệnh nhân. Qua đó, bác sĩ gia đình có thể theo dõi sức khỏe, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Giá khám bệnh bác sĩ gia đình tại TP.HCM hiện dao động từ 30.000-80.000 đồng/lần khám. THÙY DƯƠNG |