Bác sĩ dinh dưỡng tư vấn ăn uống 3 ngày Tết

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Tết là dịp vui lớn trong năm nên nhiều người thường “ăn uống thả ga”, không chú ý đến sức khỏe.

Theo ThS dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường – Khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV Đại học Y Dược TP.HCM, Tết là dịp vui lớn trong năm nên nhiều người thường “ăn uống thả ga” mà không chú ý cân bằng dinh dưỡng.

Đối với người cao tuổi

Người cao tuổi (NCT) thường mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa… Vì vậy, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của NCT cần phải được đặc biệt chú ý.

Điều quan trọng nhất là NCT cần phải được ăn uống đúng giờ, đủ chất. Tuyệt đối không bỏ bữa. Nên hạn chế các món chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no (đồ nguội, thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét…). Hạn chế ăn muối và các món nhiều muối (các loại thịt ngâm, dưa muối, dưa món…).

Cạnh đó, các loại bánh kẹo, đồ ngọt cũng nên hạn chế do hệ tiêu hóa của NCT rất dễ bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều, quá no.

Bác sĩ dinh dưỡng tư vấn ăn uống 3 ngày Tết - 1

Người cao tuổi nên hạn chế ăn bánh chưng, bánh tét, thịt đông. Ảnh: Internet

Nhiều NCT hay có thói quen tiết kiệm, cất những thực phẩm dư thừa trong bữa ăn, sau đó hâm lại để ăn tiếp, thậm chí hâm đi hâm lại nhiều lần. Việc này không an toàn cho sức khỏe, dễ gây ngộ độc bởi thực phẩm nhiều khi đã bị biến chất. Một số loại vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ thấp nên dù thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá thì việc hư hỏng vẫn có thể xảy ra.

Đối với trẻ em

Dịp Tết, giờ giấc sinh hoạt của trẻ thường bị đảo lộn do thức khuya, dậy muộn, đi chơi... Dịp Tết các gia đình cũng thường dự trữ nhiều thực phẩm, đặc biệt là bánh kẹo, đồ ngọt. Cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ khiến bé chán ăn, không cảm thấy đói và hứng thú với bữa ăn chính.

Cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn, thức ăn thừa hâm đi hâm lại nhiều lần hay để quá lâu ở nhiệt độ phòng cũng có thể làm cho bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, các món ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều đạm và mỡ cũng sẽ gây ra táo bón cho trẻ.

Bác sĩ dinh dưỡng tư vấn ăn uống 3 ngày Tết - 2

Phụ huynh không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt dịp Tết. Ảnh: Internet

Do vậy, phụ huynh hãy đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều. Tuyệt đối không nên để trẻ quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa. Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa, bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa cho trẻ trong những ngày này.

Người lớn cần lưu ý, những thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, chất béo cũng cần được hạn chế cho trẻ ăn. Các loại đậu, hạt khô như đậu phộng, hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí,… thực sự là một lựa chọn tốt cho trẻ.

Đối với thai phụ

Không chỉ ngày Tết, thậm chí ngày thường nhiều thai phụ vẫn còn quan niệm tranh thủ ăn thật nhiều cho cả mẹ lẫn con.

Thực tế, thai nhi chỉ cần hấp thụ vừa đủ để phát triển. Việc ăn quá nhiều so với mức cần thiết sẽ gây ra những tác dụng phụ khác cho thai phụ như béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường thai kì…

Ngày Tết, thai phụ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng các nhóm thực phẩm dưới đây:

+ Rượu bia và các thức uống có cồn: Tuyệt đối không được sử dụng, vì có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật thai, thai kém phát triển.

+ Hạn chế ăn các món ăn chế biến từ thịt, cá sống: Nem chua, tré, tiết canh, các loại gỏi nộm cá thịt chín tái, các loại sushi có cá sống... Nguyên nhân là hệ miễn dịch của thai phụ thường kém hơn người bình thường nên rất dễ bị nhiễm khuẩn gây tiêu chảy.

+ Hạn chế món ngâm muối chua: Đu đủ xanh, củ kiệu, củ hành,... nếu thai phụ thường bị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa càng cần phải kiêng cữ.

Bác sĩ dinh dưỡng tư vấn ăn uống 3 ngày Tết - 3

Thai phụ nên hạn chế đồ dưa chua nếu thường đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Internet

+ Ăn vừa phải các loại thực phẩm chế biến sẵn, các món nhiều dầu mỡ: Lạp xưởng, thịt đông, giò thủ, bánh chưng…  có thể làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói hay gây cảm giác khó tiêu ở thai phụ.

+ Các loại nước ngọt có gas: Những đồ uống này chứa nhiều đường, có thể làm tăng đường huyết.

Để tăng cường sức khỏe, thai phụ nên sử dụng các loại bánh kẹo, trái cây sấy khô, mứt trái cây… có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Các loại hạt khô như bí, óc chó, hạnh nhân, dẻ... giàu acid béo thiết yếu và đạm thực vật cũng rất tốt.

Đối với người đang giảm cân

Những người đang giảm cân vẫn có thể nhâm nhi các món truyền thống nhưng vẫn phải tuân theo nguyên tắc sinh hoạt nhất định. Ăn vừa phải các món ăn chứa năng lượng cao như bánh chưng, bánh tét, thịt đông, giò thủ cũng như các loại bia rượu, nước giải khát có đường.

Thay vào đó, bạn hãy ăn nhiều rau củ, salad, trái cây tươi và uống nước lọc vì đây là nhóm thực phẩm tương đối ít năng lượng, lại giàu vitamin và khoáng chất. 

Trong những ngày Tết, tuy các phòng gym không mở cửa nhưng bạn vẫn có thể hoàn toàn tập luyện ở nhà. Chỉ cần 30 phút mỗi ngày với các bài tập không cần dụng cụ như squat, hít đất, đá chéo chân, plank hay gập bụng… Bạn cũng có thể sáng tạo tập luyện với cầu thang, băng ghế hay đơn giản chỉ là chạy vòng quanh khu nhà đang ở.

 Cách bảo quản thực phẩm an toàn

- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ tủ lạnh tăng cao, ảnh hưởng đến các thức ăn xung quanh.

- Sau khi nấu chín, các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu cần làm nguội nhanh và không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

- Khi hâm nóng thức ăn, hãy đảm bảo thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, hãy đảo trộn thức ăn lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng vội lấy ra ngay, hãy để chúng trong lò khoảng 3 phút rồi mới lấy. 

Các loại hạt có lợi ích sức khỏe vi diệu nên bổ sung trong ngày Tết

Tết này thay vì ăn nhiều bánh kẹo, bạn nên tích cực thưởng thức những loại hạt rất tốt cho sức khỏe để tránh bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan (Pháp luật TPHCM)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN