Bác sĩ cấp cứu kể nỗi ám ảnh, bất lực trước ánh mắt người sắp chết vì chó cắn

Sự kiện: Bệnh dại Phú Thọ

Khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân sẽ có biểu hiện bị kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió...; sau đó lên cơn khó thở, tử vong vì suy hô hấp. Có trường hợp là nam giới thì lên cơn cường dương, xuất tinh liên tục cho đến lúc chết.

Cách đây 1 tháng, anh Đ.V.T (35 tuổi, ở Phú Thọ) bị chó nhà cắn. Tức giận, anh T đánh con chó một cái, sau đó, con chó đã bỏ đi. Từ đó, gia đình anh không theo dõi được tình trạng của chó. Anh T cũng không đi tiêm vaccine phòng dại.

1 tuần gần đây, anh T bỗng nhiên rơi vào tình trạng mất ngủ, bồn chồn, cảm giác sợ nước, sợ gió tăng dần, kích động hoảng loạn. Ngày 26/7, anh được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh không ngừng nặng lên. Chỉ hai ngày sau (28/7), anh xuất hiện cơn co thắt hầu họng, khó thở, gia đình xin đưa về nhà để lo hậu sự.

Bác sĩ cấp cứu kể nỗi ám ảnh, bất lực trước ánh mắt người sắp chết vì chó cắn - 1

Không ít người chủ quan không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn, nên đã tử vong.

ThS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, một điều khiến ông cũng như rất nhiều bác sĩ ám ảnh là sự bất lực khi chứng kiến cảnh bệnh nhân lên cơn dại, thấy chết mà không thể cứu. Sự tỉnh táo trong đau đớn của bệnh nhân khi bị kích thích, vật vã, khó thở, hơi thở rít lên từng hồi, ánh mắt long lên cũng rất đau lòng, ám ảnh.

Khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân sẽ có biểu hiện bị kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió...; sau đó lên cơn khó thở, tử vong vì suy hô hấp. Có trường hợp là nam giới thì lên cơn cường dương, xuất tinh liên tục cho đến lúc chết.

"Lúc đó, chỉ mong thời gian quay lại, chỉ mong bệnh nhân đã không chủ quan đi tiêm phòng vaccine dại" - BS Cấp chia sẻ.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại xảy ra quanh năm, thường tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, nhưng cũng có người đến vài năm, phụ thuộc vào số lượng, mức độ tổn thương và vị trí bị chó cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh.

Có người bệnh khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết của chó cắn, thậm chí có người còn đã quên mất việc bị chó cắn.

"Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu, mặt, cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn" - BS Cấp nói.

Bệnh dại khi đã lên cơn thì không thể chữa được, nhưng có thể phòng hiệu quả bằng vaccine. Nếu bị chó nguy cơ dại cắn, người bệnh đi tiêm phòng ngay, đủ mũi, đúng phác đồ, tỉ lệ bảo vệ gần như 100%. Sau đó con chó nếu có chết vì bệnh dại, bệnh nhân đã được tiêm phòng cũng không phát bệnh.

Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vaccine nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

Gia đình nuôi chó, mèo thì nhất thiết phải tiêm phòng dại định kỳ. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, chế biến thực phẩm, trẻ dưới 15 tuổi thường rong chơi và hay tiếp xúc gần gũi với chó mèo... nên tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Khi bị chó, mèo cắn cần làm ngay điều này nếu không muốn phát bệnh dại

Khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Bệnh dại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN