Bác sĩ cảnh báo 48 giờ vàng sau khi mắc cúm

Sự kiện: Dịch cúm
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, 48 giờ đầu tiên sau khi mắc cúm là khoảng thời gian quan trọng quyết định hiệu quả điều trị, nếu chậm trễ, bệnh có thể tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ.

Thông tin diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên qua đời sau khi mắc cúm hôm 2/2, khiến người hâm mộ khắp thế giới bàng hoàng. Trước đó, cô bị sốt cao kéo dài nhưng không được điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Để phòng tránh các biến chứng do cúm, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) đưa ra một số cảnh báo về căn bệnh này. Theo bác sĩ, cúm không chỉ là bệnh theo mùa đơn giản mà có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp đúng cách. Bác sĩ liệt kê ba nhóm nguy cơ cao cần được điều trị bằng thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi khởi phát triệu chứng để giảm biến chứng nghiêm trọng. Các nhóm này bao gồm:

- Nhóm người có nguy cơ biến chứng cao: gồm trẻ em dưới 15 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mãn tính như tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Những trường hợp này cần dùng thuốc kháng virus ngay cả khi triệu chứng nhẹ.

- Người tiếp xúc với nhóm nguy cơ cao: Dù không thuộc nhóm nguy cơ nhưng nếu sống chung với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh nền, người bệnh nên điều trị sớm để giảm khả năng lây lan virus.

- Trường hợp cúm nặng hoặc kéo dài: Nếu triệu chứng cúm không thuyên giảm sau 48 giờ hoặc có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao không hạ, khó thở, đau tức ngực, người bệnh cần đi khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh 48 giờ sau khi phát bệnh cúm được xem là "48 giờ vàng". Ảnh: NVCC

Bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh 48 giờ sau khi phát bệnh cúm được xem là "48 giờ vàng". Ảnh: NVCC

Bác sĩ Phúc cho biết virus cúm có thể lây lan qua ba con đường chính. Trước hết, phổ biến nhất là qua giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, làm virus phát tán vào không khí và xâm nhập vào hệ hô hấp của người khác. Ngoài ra, virus có thể bám trên các bề mặt như tay nắm cửa, nút bấm thang máy... Nếu bạn chạm vào những vật dụng này rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng, người khỏe mạnh có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Một con đường lây nhiễm khác là trong không gian kín, nơi không khí lưu thông kém như văn phòng, lớp học, phương tiện công cộng. Tại đây, virus có thể tồn tại trong không khí nhiều giờ, làm tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng.

Virus cúm có thời gian ủ bệnh từ 1-4 ngày, đặc biệt nguy hiểm khi người nhiễm có thể lây bệnh cho người khác ngay từ ngày đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng. Vì vậy, việc phòng tránh và điều trị kịp thời trong giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Với những trường hợp mắc cúm nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà để giảm triệu chứng và hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn. Đối với bệnh cúm không biến chứng, sốt và các triệu chứng hô hấp ở người lớn thường kéo dài khoảng 3 ngày và hầu hết sẽ cải thiện sau đó. Quá trình phục hồi hoàn toàn có thể mất từ 10 đến 14 ngày, các triệu chứng mệt mỏi có thể kéo dài trong vài tuần ở một số bệnh nhân.

Tắm nước ấm có thể giúp cơ thể thư giãn, hỗ trợ khả năng phục hồi tốt hơn. Ảnh: Sina

Tắm nước ấm có thể giúp cơ thể thư giãn, hỗ trợ khả năng phục hồi tốt hơn. Ảnh: Sina

Bác sĩ cũng đưa ra thời gian biểu phù hợp cho người mắc cúm nhẹ tại nhà: Buổi sáng, tắm nước ấm giúp giãn mạch, giảm đau cơ, kết hợp uống trà gừng hoặc nước cam để tăng cường sức đề kháng. Nếu nghẹt mũi, người bệnh có thể xông hơi mặt trong 5-10 phút với nước nóng hoặc thảo dược. Đến buổi trưa, một chút vận động nhẹ nhàng như đi bộ có thể cải thiện tâm trạng và hỗ trợ hệ miễn dịch. Bữa ăn nên bổ sung rau xanh, thịt gà hoặc cá, đồng thời uống nước ấm hoặc oresol để bù điện giải. Buổi tối, người bệnh nên ăn các món ấm nóng như cháo gừng, súp gà, tránh thực phẩm lạnh hoặc đồ uống có cồn. Trước khi ngủ, tắm nước ấm có thể giúp cơ thể thư giãn, đồng thời giấc ngủ đủ 7-8 tiếng sẽ hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh, nếu sau 48 giờ các triệu chứng không thuyên giảm hoặc xuất hiện dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, khó thở, đau tức ngực, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Cuối mùa đông và đầu mùa xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh cúm. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Linh (Theo B.S Trần Văn Phúc) ([Tên nguồn])
Dịch cúm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN