Bác sĩ BV Bạch Mai hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ

Sự kiện: Đột quỵ

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cách tập phục hồi chức năng và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ não.

Tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Điều đó có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát. Vậy làm thế nào để những bệnh nhân mắc đột quỵ não có thế ngăn ngừa sự tái phát của bệnh?

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Chúng tôi khuyến khích bệnh nhân quay trở lại với lối sống bình thường như trước khi bị đột quỵ não. Điều này giúp họ cải thiện sự phục hồi và giảm rủi ro tái phát đột quỵ não.

Bác sĩ BV Bạch Mai hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ - 1

Phục hồi chức năng sau đột quỵ não

PGS. Tôn cho biết: Phục hồi chức năng giúp những người sống sót sau đột quỵ não học lại các kỹ năng bị mất sau khi một phần não bị tổn thương. Liệu pháp phục hồi chức năng bắt đầu trong bệnh viện ngay giai đoạn cấp, sau khi tình trạng chung của bệnh nhân đã ổn định (Thông thường là trong vòng 24 đến 48 giờ sau đột quỵ não).

Thời gian nằm viện trung bình trong giai đoạn cấp cho bệnh nhân đột quỵ não là từ 4 ngày (thiếu máu cục bộ) và 7 ngày (chảy máu não). Những người sống sót sau đột quỵ thường được chuyển từ chăm sóc cấp tính đến một cơ sở phục hồi chức năng nội trú, một cơ sở điều dưỡng lành nghề hoặc một bệnh viện chăm sóc sau giai đoạn cấp dài hạn.

Tuy nhiên, PGS Tôn nhấn mạnh: Nhà là nơi tốt nhất cho các bệnh nhân đột quỵ não trong tiến trình phục hồi. Bệnh nhân phục hồi sau đột quỵ não nên được đưa về nhà càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất để phục hồi sau đột quỵ não là trong một vài tháng đầu tiên. Bệnh nhân sẽ dần ổn định sau 3 đến 6 tháng và một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân vẫn có cơ hội phục hồi trong một đến hai năm tiếp theo. Phục hồi sau đột quỵ não là một quá trình cần phải kiên trì và tập luyện liên tục.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, 10% những người bị đột quỵ não phục hồi gần như hoàn toàn; 25% phục hồi với những khiếm khuyết nhỏ và 40% khác trải qua các khiếm khuyết từ trung bình đến nặng, cần được chăm sóc đặc biệt.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi bị đột quỵ

Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có thể làm tăng mức cholesterol trong máu. Chế độ ăn nhiều muối có thể góp phần làm tăng huyết áp. Chế độ ăn nhiều calo có thể góp phần gây béo phì.

Vì vậy, thói quen sử dụng thực phẩm lành mạnh có thể giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ đột quỵ não. Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ não Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị cho chế độ ăn kiêng, cụ thể như sau:

- Chế độ ăn nhiều rau và trái cây

- Chọn thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ

- Giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ.

- Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Chọn cá giầu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ

- Hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

- Chọn thịt nạc, thịt gia cầm và không sử dụng chất béo bão hóa hoặc chất béo chuyển hóa khi chế biến.

- Tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường

- Chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị không có muối hoặc hạn chế muối.

- Học cách đọc nhãn thực phẩm. Điều này sẽ giúp bạn chọn các mặt hàng có ít hơn 140mg natri mỗi khẩu phần.

- Hạn chế rượu bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não. Lạm dụng rượu bia sẽ gây tăng huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề gì với lượng rượu ở mức độ vừa phải (tức là khoảng 1 – 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn mỗi ngày; tương đương 100 ml rượu vang hay một chén rượu mạnh 30ml).

Những sai lầm tai hại khiến người bị đột quỵ não không thể qua khỏi

Trời rét là yếu tố thúc đẩy nhóm bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt là chảy máu não, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN