Bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ hàng loạt không có gì lạ!
Với cơ chế như hiện nay, một bệnh viện công lập dù hạng 1 cũng khó có thể phát triển nếu không “cởi trói” để được tự chủ, thì bác sĩ xin nghỉ việc hàng loạt là bình thường- PGS Nguyễn Quang Tuấn, ĐBQH khoá XIV, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho hay.
Trước hiện tượng bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ hàng loạt tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ hay câu chuyện bác sĩ bệnh viện công xin nghỉ ra ngoài làm đã xảy ra từ nhiều năm nay, theo PGS Nguyễn Quang Tuấn – ĐBQH khoá XIV, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đây là việc chẳng có gì lạ.
PGS Nguyễn Quang Tuấn – ĐBQH khoá XIV, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh Báo Đại Đoàn Kết)
Theo phân tích của PGS Tuấn hiện nay với một hệ thống y tế nhà nước, mang nặng tư tưởng xin – cho thì rất khó phát triển. Một nền y tế “què quặt” bác sĩ lương thấp, bệnh nhân thì nheo nhóc. Với một mô hình như thế mới dẫn đến câu chuyện bác sĩ vòi vĩnh phong bì vì họ không đủ sống. Đồng lương thấp, áp lực lại lớn nên dẫn đến những nhũng nhiễu trong ngành y tế.
PGS Tuấn chia sẻ: Đã đến lúc chúng ta phải “cởi trói”, hãy để cho các bệnh viện công tự chủ để họ hoạt động như một doanh nghiệp. Lúc ấy bệnh nhân cũng được lợi và bác sĩ sẽ tận tâm với công việc của mình, họ không còn lo cơm áo gạo tiền ắt sẽ không còn những nhũng nhiễu.
Thực tế đã chứng minh, lợi ích của “cởi trói” này là việc trả lương xứng đáng cho các bác sĩ, cán bộ thì bệnh viện sẽ giữ chân được họ. Còn các bác sĩ không phải “chân trong, chân ngoài”, yên tâm phục vụ bệnh nhân tốt hơn và bệnh viện được nâng cao chất lượng.
Bức tranh hiện nay, theo PGS Tuấn đó là câu chuyện bác sĩ làm ở bệnh viện công rồi lại làm cả bệnh viện tư. Dù chính phủ cho phép họ làm thế, được phép làm việc ở bệnh viện tư trong giờ hành chính, đi mổ ở các bệnh viện tư, tuy nhiên như thế này xảy ra hiện tượng “chảy máu trong”. PGS Tuấn đặt câu hỏi tại sao chúng ta không “tư ngay trong công”? Chỉ có như thế mới phát triển được bệnh viện và nâng cao thu nhập cho bác sĩ.
Hơn nữa, theo PGS Tuấn với cơ chế tự chủ, ban giám đốc bệnh viện sẽ biết phải làm gì để ngăn chặn có hiệu quả nạn vòi vĩnh bệnh nhân. Còn nếu chỉ hô khẩu hiệu không nhận phong bì chung chung, hoặc giải pháp cực đoan ở một số nơi như khâu kín áo bác sĩ vừa không kết quả, vừa rất phản cảm.
PGS Tuấn lấy ví dụ ngay chính ở Bệnh viện Tim Hà Nội nơi ông đang làm giám đốc. Từ khi về nhận chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội ông đã bắt tay vào xây dựng mô hình bệnh viện tự chủ. Nhờ thế, bệnh viện phát triển, người bệnh tìm đến ngày càng đông bởi họ coi đây không phải là bệnh viện nữa mà ở đây họ được chăm sóc toàn diện, bác sĩ không cần phong bì của người bệnh vì thu nhập của họ được trả xứng đáng.
Để tự chủ được, PGS Tuấn cho biết minh bạch là điều cần và đủ để bệnh viện phát triển. Chính vì thế, ngay trong bệnh viện, cơ chế thu chi rất rõ ràng theo một quy trình nội bộ. PGS Tuấn cho biết ngày xưa bác sĩ của bệnh viện phải ra ngoài mổ ở các bệnh viện tư thì giờ đây, ngay trong bệnh viện, bác sĩ không còn phải ra ngoài mổ vì “tư trong chính bệnh viện công”. Điều đó tránh được việc chảy máu trong.
Chính vì thế, PGS Tuấn luôn luôn mong muốn mình có thể đưa vấn đề này vào nghị trường. Đã đến lúc cần phải đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả theo hướng chuẩn hóa chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ y tế ngày càng phát triển điều đó giúp đời sống cán bộ nhân viên y tế nâng cao mà người bệnh cũng được hưởng dịch vụ tốt, thay vì bị mè nheo, nhũng nhiễu.