Bác sĩ ám ảnh cảnh bệnh nhân nằm la liệt, tím đen vì dịch hạch
Trong thập niên 1960-1970, Việt Nam là nước đã báo cáo có số bệnh nhân dịch hạch nhiều nhất nhì thế giới với hàng ngàn trường hợp xảy ra hằng năm.
Dịch hạch từng tung hoành ở Việt Nam
Các bác sĩ truyền nhiễm của Việt Nam đều ám ảnh về dịch hạch ở Việt Nam hàng chục năm về trước. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương kể lại, tuy dịch hạch 12 năm không thấy xuất hiện ở Việt Nam nhưng những hình ảnh dịch hạch từng xuất hiện ở nước ta cũng khiến các bác sĩ là chuyên ngành truyền nhiễm cũng phải lo lắng.
Những năm sau chiến tranh, dịch hạch vẫn còn lưu hành ở các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực miền Đông Nam bộ như Long Khánh, Tân Phú của Đồng Nai; Củ Chi, Tây Ninh, các tỉnh Tây Nguyên... một vài nơi ở đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau… và kể cả tại TP.HCM.
Ở miền Nam lúc đó, các công nhân làm tại nông trường cao su bị dịch hạch rất nhiều. Ghi lại một ngày, số công nhân bị sốt lên đến hàng chục người. Công tác phòng chống dịch hạch lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn vì dịch hạch thường xảy ra ở ngay vào giữa vùng có nhiều động vật gặm nhấm hoang dại. Nhà cửa toàn bằng tre nứa…
Khi các chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam, họ cũng ớn lạnh vì đôi lúc chuột từ nóc nhà rơi xuống trước mặt, giữa lúc ăn trưa trong lán. Như thế cách phun thuốc diệt bọ chét từ mặt đất lên khoảng 1,2 – 1,5m được khuyến cáo trong phòng chống dịch hoàn toàn vô hiệu vì bọ chét từ chuột ở tận trên mái tranh rơi xuống.
Hình ảnh minh họa
Dịch hạch di cư từ Nam ra Bắc
Tại các vùng Nam bộ và ven Tây Nguyên, do đặc điểm rừng núi, hoang dã nên thường xuyên có dịch hạch xảy ra nhiều hơn miền Bắc.
Bác sĩ Hà chia sẻ, từ khi ra trường, ông đã làm công việc cấp cứu hồi sức truyền nhiễm. So với các bác sĩ truyền nhiễm khác, bác sĩ Hà là người tham gia công tác điều trị dịch hạch tại Việt Nam năm 1978. Có lẽ nhờ vào điều đó mà về mặt thực tế điều trị, bác sĩ Hà cũng có nhiều kỷ niệm và kiến thức hơn. Căn bệnh được xem là đại dịch đen ấy đến nay mỗi khi nhớ lại, bác sĩ Hà thấy vừa thương bệnh nhân, vừa là bài học cho mình.
Nhớ lại dịch hạch mùa ấy, BS Hà kể, do khó khăn của kinh tế, miền Bắc thiếu gạo nên đưa gạo từ miền Nam ra. Chuột từ miền Nam di cư ra Bắc mang theo dịch hạch.
Gạo đưa ra chứa ở kho Lương Yên và kho nhà máy rượu Lò Đúc, Hà Nội. Một thời gian sau các công nhân phát hiện chuột chết hàng loạt nhưng không biết nguyên nhân do đâu. Sau đó, dịch hạch bùng phát trên người. Số bệnh nhân có triệu chứng của bệnh ngày càng tăng. Có ngày lên đến hơn chục bệnh nhân nhập viện.
Không chỉ xảy ra ở Hà Nội, dịch hạch còn xảy ra ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, các bác sĩ phải căng mình điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên lúc đó nhân lực ngành y còn mỏng nên việc chống dịch cũng khó khăn.
"Nhiều bệnh nhân phát hiện muộn đã tử vong. Có những bệnh nhân người tím đen do vi khuẩn dịch hạch tấn công vào khắp cơ thể, chúng vào máu rồi “chu du” đến các cơ quan nội tạng khác" - BS Hà kể.
Triệu chứng của dịch hạch lúc đó là bệnh nhân bị sốt, đau vùng hạch sau đó sưng to, nóng và đau gọi là dịch hạch thể hạch. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn lan nhanh qua máu, đến nhiều nội tạng gây tình trạng nhiễm trùng huyết (dịch hạch thể nhiễm trùng huyết).
Trong quá trình phát triển dịch hạch có thể lan lên phổi theo đường máu gây dịch hạch thể phổi thứ cấp. Dịch hạch thể phổi nguyên phát là do hít phải vi khuẩn từ người bệnh hay súc vật bị viêm phổi qua đường không khí. Trong dịch hạch thể phổi, bệnh nhân sốt cao, có hạch hoặc không; ho nhiều, đau ngực, khó thở, hay ho ra máu. X-quang thấy viêm phổi đốm. Thể phổi đáng sợ nhất vì chỉ sau một ngày dù điều trị kháng sinh tỷ lệ tử vong vẫn rất cao.
Dịch hạch rất dễ điều trị, các loại thuốc kháng sinh được sử dụng điều trị hiệu quả bệnh dịch hạch đều là những loại thông thường có sẵn tại các bệnh viện như: Streptomycin, Gentamycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Doxycycline, Trimethoprim-Sulfamethoxazole, Kanamycin.