Bắc Ninh kiểm soát thế nào với khoảng 200.000 công nhân nghỉ việc?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Với khoảng 200.000 công nhân ngừng, nghỉ việc, tỉnh Bắc Ninh phân thành 2 thành phần để dễ dàng kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh Bắc Ninh có tổng số 332.000 lao động làm việc tại doanh nghiệp trong 10 khu công nghiệp. Tính ngày 2/6, tỉnh Bắc Ninh đã có 504 doanh nghiệp với 125.000 lao động duy trì sản xuất, kinh doanh với hình thức công nhân vừa sản xuất, vừa lưu trú trong nhà máy, doanh nghiệp (theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh).

Hiện tại, dịch COVID-19 đã khiến hơn 200.000 công nhân phải ngừng, nghỉ việc và thực hiện giãn cách xã hội. Trong số 200.000 công nhân này có khoảng 30.000 công nhân đến từ Bắc Giang và nhiều tỉnh miền núi nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

"Đối với lực lượng công nhân dừng, nghỉ việc hiện Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chia ra thành 2 thành phần. Thành phần thứ nhất là những lao động có đăng ký với doanh nghiệp làm lực lượng hậu bị để sau 15 ngày thay ca với các công nhân hiện đang lao động và lưu trú trong nhà máy. Các công nhân này phải cách ly tương đương với các F2 ở một khu lưu trú để đảm bảo an toàn trước khi vào nhà máy để thay ca sản xuất.

Thành phần thứ 2 là không có đăng ký với doanh nghiệp làm lực lượng hậu bị thì các công nhân này sẽ do chính quyền địa phương quản lý với một quy trình nghiêm ngặt đã được UBND tỉnh quy định", ông Mầu Quang Thắng, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh thông tin.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra công tác chống dịch tại các phòng trọ công nhân.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra công tác chống dịch tại các phòng trọ công nhân.

Trong khi đó, theo ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, đối với các công nhân ngừng, nghỉ việc, đang ở trọ trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh có sự giám sát chặt chẽ.

Hiện Công an tỉnh Bắc Ninh đã đưa cán bộ, chiến sĩ từ tỉnh về các xã, phường, thị trấn xuống tận khu dân cư phân công, thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát những hộ gia đình có công nhân ở trọ.

Tỉnh cũng yêu cầu người ở trọ không được ra khỏi phòng trọ kể cả mua hàng hóa thiết yếu, nếu mua phải nhờ thông qua chủ nhà trọ và Tổ COVID-19 cộng đồng; chỉ được ra ngoài trong trường hợp đặc biệt và được sự đồng ý của chính quyền cơ sở.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng kiểm soát tất cả người, phương tiện ra vào khu dân cư trên quan điểm "nội bất xuất - ngoại bất nhập"; yêu cầu tất cả người lao động ở trọ, chủ nhà trọ phải ký cam kết.

Những bãi "cắm trại' tạm thời dành cho công nhân ăn, ở và làm việc trong nhà máy để phòng, chống COVID-19.

Những bãi "cắm trại' tạm thời dành cho công nhân ăn, ở và làm việc trong nhà máy để phòng, chống COVID-19.

"Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, khai báo y tế cho số người lưu trú, kiểm soát cổng nếu khu nhà trọ có khu biệt lập hoặc phải làm rào chắn, kiểm soát không cho công nhân ra vào, việc mua hoặc tiếp nhận thực phẩm hỗ trợ cho công nhân cũng đã có lực lượng chức năng lo", ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh trong khu nhà trọ thì các địa phương phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 4/6, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 1.018 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Số mắc mới ghi nhận nhiều ở TP Bắc Ninh, hiện thành phố ghi nhận tổng số 274 ca mắc tại 14 phường với 43 khu phố/chung cư.

Theo báo cáo, số bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện: 238 bệnh nhân.

Toàn tỉnh đang thực hiện cách ly y tế: 38.893 trường hợp, trong đó, tại cơ sở y tế 768 trường hợp, tại cơ sở tập trung 3.236 trường hợp, tại khách sạn 95 trường hợp, tại nơi lưu trú 33.794 trường hợp.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói về kịch bản khi Bắc Ninh có 3.000 ca mắc

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch khi số...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Tân ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN