Ba nguyên tắc uống nước trong tiết trời nóng bức

Sự kiện: Sống khỏe

Không nên để cơ thể khát nước mà cần bổ sung đủ và thường xuyên, uống từ từ từng ngụm, không nên lạm dụng trà, cà phê, bia rượu.

Nắng nóng kéo dài có thể gây mất nước, kiệt sức, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt với người tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Vì vậy, khi lưu thông hay lao động ngoài trời nóng, người dân cần che chắn nắng như mũ, áo, khẩu trang, găng tay, kính râm... và thường xuyên uống nước.

Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, cho biết khoảng 60% cơ thể là nước. Nước đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho tất cả hệ thống cơ thể hoạt động tốt. Do đó việc uống nước đủ và đúng trong ngày nóng càng trở nên cần thiết.

Theo bác sĩ Thảo, việc uống nước cần duy trì theo nguyên tắc đúng - đủ - đều:

Đúng

Mùa nắng nóng, mọi người nên giữ thói quen uống nước lọc từ 10-30 độ C. Song không nên uống nước lạnh sau khi đi ngoài nắng vì dễ khiến cơ thể bị sốc, đau họng, khó chịu đường tiêu hóa, tiêu chảy...

Hạn chế sử dụng trà, cà phê, bia, rượu, nước mát để giải nhiệt. Những thức uống này có tác dụng lợi tiểu, do đó dễ khiến cơ thể đối diện với nguy cơ mất nước. Nếu bạn muốn uống 1 ly trà, hãy uống thêm 2 ly nước lọc để bổ sung.

Đủ

Uống quá nhiều hoặc quá ít nước đều có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng nước cơ thể cần, bao gồm tuổi tác, giới tính, mức độ hoạt động và sức khỏe tổng thể. Ví dụ, phụ nữ có thai và đang cho con bú, người làm việc dưới tiết nắng nóng... cần nhiều nước hơn.

Thông thường phụ nữ cần khoảng 9 ly mỗi ngày và đàn ông khoảng 12,5 ly để giúp bổ sung lượng nước bị mất (mỗi ly khoảng 250 ml).

Một dấu hiệu để biết bản thân đang uống đủ nước là quan sát màu nước tiểu. Nếu nước tiểu luôn có màu vàng nhạt nghĩa là bạn đang uống đủ nước.

Đều

Do trời nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Nếu uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn sẽ làm tăng tiết mồ hôi, gây nguy cơ mất các chất điện giải như natri, kali...

Đặc biệt, khi vừa tập thể dục, chạy hay làm việc nặng... không nên uống quá nhiều nước một lúc. Nên uống từ từ, từng ngụm, rải đều trong ngày, không đợi đến khi khát nước mới uống.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại rau, trái cây có hàm lượng nước cao (70-100%), giàu vitamin cho bữa ăn hàng ngày như dưa hấu, dâu tây, chuối, nho, cam, lê, dứa, rau diếp, bắp cải, cần tây, rau bina, bí, cà rốt, bông cải xanh...

Nguồn: [Link nguồn]

Uống nước là việc rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng cách, thậm chí không biết mình có những thói quen gây hại sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Ý ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN