Bà bầu không ăn cơm có giúp phòng tránh đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường xảy ra trong quá trình mang thai, thường từ tuần 24 đến tuần 28. Nếu thai phụ không kiểm soát tốt đường huyết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mẹ và thai nhi.
Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ đều có thể kiểm soát đường huyết của mình chỉ bằng cách đơn giản là thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với việc tập luyện thể chất. Việc tuân thủ đúng kế hoạch ăn uống theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp kiểm soát bệnh, nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển và giúp thai phụ cảm thấy khỏe mạnh.
1. Kiêng ăn cơm để phòng đái tháo đường thai kỳ, nên hay không?
Nhiều thai phụ cảm thấy hoang mang, lo lắng khi được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ. Và từ những thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội hay từ những lời mách bảo, họ rất "sợ" tinh bột do đó lập kế hoạch kiêng ăn, thậm chí loại bỏ hoàn toàn món cơm ra khỏi thực đơn hàng ngày
Tuy nhiên, theo BS. Hồ Thu Thủy, Phó phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Trong bữa ăn của một người bình thường sẽ có đến 60-70% là tinh bột, tương đương 1-2 bát cơm tùy theo nhu cầu năng lượng của từng người;15-20% chất đạm (tương đương 100-120g thịt cá); 20-30%dầu mỡ, chất béo (tương đương 1-2 thìa dầu).
Tại sao lượng tinh bột lại chiếm lượng lớn trong bữa ăn hàng ngày? Bởi vì tinh bột có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể. Năng lượng chính đến từ nguồn tinh bột, nếu thiếu nó sẽ làm cho cơ thể có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay và không muốn làm gì cả.
Tinh bột có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể.
BS. Thủy cũng cho biết, nguyên nhân chính của đái tháo đường thai kỳ là do rối loạn hormone trong quá trình mang thai. Hoặc có các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường… chứ không phải do chế độ ăn quá nhiều tinh bột.
Trong khi đó, não của mẹ và não của thai nhi sử dụng nguồn năng lượng chính từ đường chứ không phải từ chất đạm, thịt cá ăn hàng ngày. Trong khi đó, nếu ăn ít tinh bột có thể dẫn đến thể trạng của mẹ yếu, suy dinh dưỡng thai nhi. Vì vậy, không nên loại bỏ tinh bột, cụ thể là cơm ra khỏi chế độ ăn khi thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ.
Tuy nhiên, nên ăn vừa đủ các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và ít làm tăng đường huyết như: Gạo lứt còn vỏ cám, bún tươi, gạo tấm, các loại đậu nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám, bánh mì nâu…
Hạn chế tinh bột từ các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây…
2. Chế độ ăn tốt nhất cho thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ
Không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ vì cơ thể mỗi phụ nữ đều khác nhau. Hầu hết thai phụ chỉ cần điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của chính họ và em bé, cũng như để kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo BS. Nguyễn Thị Thúy, Khoa Nội tiết - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý theo khẩu phần ăn. Trong các bữa ăn cần đảm bảo có carbohydrat các loại: 33-40%; Lipid: 35-40%; Protein: 20%. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Bữa chính không nên ăn quá no sẽ làm tăng đường máu. Tuyệt đối không được bỏ bữa vì khi mang thai nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ tăng lên để cung cấp và nuôi dưỡng thai nhi phát triển.
Bữa ăn chính: Theo nguyên tắc chung, cách ăn uống lành mạnh nhất đối với người bệnh đái tháo đường là áp dụng phương pháp đĩa. Trong đó, tạo một nửa đĩa rau không chứa tinh bột như rau xanh, cà chua, bí, cải bắp, súp lơ; 1/4 đĩa protein nạc (thịt nạc, trứng, cá, phô mai, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt) và 1/4 thực phẩm carb (tinh bột) khác: khoai tây, ngô, đậu Hà Lan.
Bữa sáng: Nên có thành phần là tinh bột và đạm nhưng ít hơn bữa trưa và tối. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể ăm một bát nhỏ phở bò, bún bò kèm giá đỗ hoặc một bát cháo yến mạch thịt băm, 1 lát bánh mỳ kèm 1 quả trứng ốp hoặc một đĩa salad mỳ ống nhiều rau.
Bữa trưa và bữa tối: Ăn khoảng 1 bát cơm (gạo lứt tốt hơn gạo trắng) hoặc 2 lát bánh mỳ; Phần chất đạm khoảng 100g thịt nạc, cá, thịt gà (bỏ phần da) hoặc 1 quả trứng hoặc 200g đậu; 350g rau xanh (rau muống, cải, súp lơ...).
Lưu ý: Nên ăn rau trước để giảm hấp thu đường, sau đó ăn tinh bột và chất đạm.
Bữa phụ: Ăn sau bữa chính 2 giờ, thai phụ nên ăn những loại hoa quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, việt quất, ổi, bơ, bưởi… Uống 200ml sữa tươi không đường/ngày hoặc 1 cốc sữa chua không đường/ngày.
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ không nên ăn quá nó vì dễ làm tăng đường huyết.
3. Dinh dưỡng tốt cho thai phụ khi bị đái tháo đường thai kỳ
Tất cả các loại thực phẩm thai phụ mắc đái tháo đường có thể được ăn ở mức độ vừa phải, nhưng tốt nhất nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường cao như bánh quy, kẹo và nước ngọt. Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate đơn giản như ngũ cốc ăn sáng, gạo trắng, bột mì trắng và thực phẩm chế biến hoặc đồ ăn nhẹ cũng là thủ phạm lớn làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn.
Trái cây có thể được ăn ở mức độ vừa phải vì chúng có đường fructose chứ không phải đường glucose. Fructose không làm tăng lượng đường trong máu như glucose vì nó được chuyển hóa khác nhau. Nếu ăn quá nhiều trái cây cùng một lúc, cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ăn trái cây cùng với protein và chất xơ là một mẹo dễ dàng để giúp giữ lượng đường trong máu ở mức thấp hơn.
Thai phụ bị đái tháo đường cũng nên ăn cả trái cây chứ không phải nước ép. Toàn bộ trái cây có ít calo và carbohydrate so với nước trái cây. Ngoài ra nó còn chứa chất xơ, cùng với vitamin và khoáng chất. Hầu hết chất xơ đã được loại bỏ trong nước trái cây. Trái cây càng nhiều chất xơ càng tốt, nhất là khi nhiều bà bầu bị táo bón.
Cho tới nay, người ta biết rất ít về ảnh hưởng của hội chứng hô hấp Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) còn gọi là "cúm lạc đà" trong thai kỳ. Tại Ả Rập Saudi, 5 trường...
Nguồn: [Link nguồn]