An toàn thực phẩm mới quản được ngọn

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, cho rằng nếu không thay đổi cách quản lý an toàn thực phẩm người dân vẫn phải chấp nhận cảnh “ăn cũng chết mà không ăn cũng chết”.

Theo ông Đáng, thực trạng vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) đã diễn ra nhiều năm, người dân lo lắng không biết mua cái gì, ăn cái gì và mua ở đâu, sử dụng ra sao khi cái gì cũng sợ nhiễm khuẩn, nhiễm độc, và dẫn tới thực trạng mà dân gian vẫn nói “ăn cũng chết mà không ăn cũng chết”... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn tới cả chất lượng giống nòi.

Còn về mặt quản lý Nhà nước, thưa ông?

Tôi biết các cơ quan quản lý rất cố gắng, đầu tư công sức rất lớn nhưng quản lý chưa theo kịp với thực tế. Thực phẩm là vấn đề rất rộng và nhạy cảm, nếu đủ mạnh, chúng ta sẽ chủ động đánh giá nguy cơ, chủ động công bố và ngăn chặn, nhưng nếu yếu kém, chúng ta sẽ bị động và nhiều khi đành khuất mắt trông coi.

An toàn thực phẩm mới quản được ngọn - 1

PGS.TS Trần Đáng.

Ngay trong Luật ATTP, các tiêu chuẩn về ATTP còn quá thiếu, nhiều định nghĩa, khái niệm không phù hợp với kiến thức thông thường về ATTP học.

Lực lượng quản lý thiếu về số lượng, năng lực quản lý còn hạn chế, không ngăn chặn được từ cơ sở, nên tình trạng mất an toàn từ cái này sang cái kia, sờ tới đâu vi phạm tới đó.

“Hệ thống kiểm nghiệm chưa xác định được hầu hết các chất phụ gia thực phẩm độc hại, kim loại nặng ảnh hưởng xấu sức khỏe con người.”, PGS.TS Trần Đáng nói.

Chế tài xử lý các vi phạm về ATTP chưa đạt được ba mục tiêu là giáo dục, răn đe và ngăn chặn. Vi phạm nhiều, phạt không được bao nhiêu khiến người vi phạm nhờn và ít tác dụng răn đe với các đối tượng chưa bị phát hiện. Như vụ làm giả sữa Ensure vào năm 2012, tôi đánh giá là rất nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới hàng ngàn đứa trẻ. Đáng ra, chúng ta phải có đánh giá nguy cơ, hệ quả của việc làm này và xử lý hình sự. Nhưng không có ai đánh giá hệ quả đó.

Ba bộ quản lý một miếng thịt

Có ý kiến cho rằng, việc quản lý ATTP của chúng ta rơi vào tình trạng lắm mối rối bời, “cha chung không ai khóc”. Vậy có nên nghiên cứu đưa quản lý thực phẩm vào mô hình cơ quan ngang bộ do một Phó Thủ tướng đứng đầu?

Về mặt quản lý Nhà nước, tôi cho rằng không nằm ở quy mô tổ chức mà nằm ở năng lực hoạt động và tư duy quản lý. Hiện nay, Cục ATTP (Bộ Y tế) là cơ quan chuyên ngành cao nhất để quản lý ATTP, tại các tỉnh - thành có các Chi cục ATTP (Sở Y tế). Tuy nhiên, tại các cấp huyện, xã là nơi sản xuất lương thực, thực phẩm lại không có cán bộ chuyên trách. Vì vậy, hệ thống quản lý ATTP của chúng ta chỉ nắm được phần ngọn mà chưa đụng tới được phần gốc.

An toàn thực phẩm mới quản được ngọn - 2

Hàng tươi sống không được che đậy bị ruồi bâu bày bán tràn lan ở chợ tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trong Luật ATTP, điều 61 khẳng định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về ATTP. Tuy nhiên, các điều 63, 64 lại nêu sự tham gia của các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương. Vì thế, chính luật đã tạo ra việc quản lý chồng chéo, tồn tại khoảng trống dẫn tới việc tràn ngập hàng kém chất lượng trên thị trường.

Ví dụ, thịt và sản phẩm thịt có nguy cơ cao do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở, còn Bộ NN-PTNT quản lý quá trình sản xuất và quản lý thú y. Hay sữa, đồ uống, sản phẩm chế biến từ đậu nành là những thực phẩm nguy cơ cao (theo Điều 14, Nghị định 163) sẽ do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở nhưng Bộ Công Thương lại quản lý quá trình sản xuất của cơ sở.

Tôi được biết trên thế giới không có nước nào phân công như vậy. Vì vậy, tôi đề nghị quản lý thực phẩm trên hai nguyên tắc, chưa thành thực phẩm sẽ do Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNN quản lý. Nếu thành thực phẩm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm cao nhất về ATTP. Ví dụ, tôi cầm một chai nước lọc, nếu Bộ Y tế xác nhận uống được là được, không uống được là không uống, đó là tư duy quản lý thực chứng.

Chúng ta vẫn có các đợt ra quân, những chuyến vi hành của các lãnh đạo để kiểm tra ATTP, tháng Vệ sinh ATTP. Theo ông, những hoạt động trên có hiệu quả không?

Các hoạt động trên chỉ mang tính phong trào, dù có bộ trưởng đi cũng chỉ là hình thức. Hiệu quả đạt được chỉ nhất thời, chứ không thể giải quyết được tận gốc. Tôi thấy, các nước không có chuyện bộ trưởng vi hành đi kiểm tra, mà việc đó thuộc về lực lượng chuyên ngành.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành chủ động kiểm soát ngăn chặn ngay từ khi sản xuất. Lực lượng này sẽ đánh giá nguy cơ nguồn đất, nguồn nước, quy trình sản xuất và quyết định cho hay không cho thành phẩm.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP của chúng ta còn thiếu, mà lại phân tán (cả ba Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương đều có). Tôi ước tính, với tỷ lệ một thanh tra chuyên ngành phụ trách một vạn dân, nước ta phải có 8.600 thanh tra chuyên ngành. Như tại Nhật có 12.000 thanh tra chuyên ngành ATTP.

Lực lượng thanh tra thiếu và yếu khiến chúng ta không thể kiểm soát được tình hình mất ATTP. Vì vậy, công tác quản lý vẫn chỉ dừng lại ở chỗ, sản phẩm nào được phát hiện có lỗi thì được thanh kiểm tra, còn lại vẫn “nằm ngoài vùng”.

Quản lý thực phẩm theo chuỗi

Với bộ máy và chế tài hiện nay, phải chăng chúng ta đang bó tay trước thực trạng vi phạm ATTP?

Muốn thay đổi được thực trạng hiện nay, theo tôi phải thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục thực trạng nêu trên, sửa luật, tăng cường lực lượng chuyên trách tại tuyến xã, huyện, đưa việc kinh doanh thực phẩm thành ngành kinh doanh có điều kiện. Để thay đổi từ bị động quản lý sang chủ động quản lý ATTP, tôi cho rằng cần đẩy mạnh quản lý thực phẩm theo chuỗi và tăng cường phân tích nguy cơ mất ATTP.

Quản lý theo chuỗi là quản lý có hệ thống và từ gốc của vấn đề. Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn là một giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, ATTP, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm tham gia chuỗi được quản lý theo mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, từ khâu nuôi trồng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các nguyên liệu đầu vào của quá trình nuôi trồng sẽ được giám sát, kiểm duyệt chất lượng như cây và con giống, thức ăn, nguồn nước, việc sử dụng thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình nuôi trồng, quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản...

Thứ hai, phải tăng cường phân tích nguy cơ mất ATTP. Chương trình này gồm ba phần đánh giá, quản lý và truyền thông nguy cơ để chủ động phát hiện các mối nguy trong thực phẩm. Ví dụ, khi New Zealand đánh giá và phát hiện sữa nhiễm khuẩn, họ đã chủ động công bố thông tin rộng rãi về chất và hàm lượng nhiễm khuẩn trong sữa, sau đó công bố thu hồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.C.KHANH (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN