Ăn thịt cóc, hai cha con nguy kịch
Ngày 3-8, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM cho biết vừa cấp cứu, cứu sống bé Nguyễn Tường V. (11 tuổi) được chuyển đến từ Bình Phước do ngộ độc trứng cóc.
Theo mẹ bệnh nhi, tối trước ngày nhập viện (22-7), người cha bắt được một con cóc lớn nên lột da, để nguyên trứng và nội tạng rồi chiên lên ăn cùng bé V. Sau khi ăn khoảng 30 phút, hai cha con bé V. nôn ói dữ dội kèm tiêu lỏng nên người nhà lập tức đưa đến Bệnh viện Đồng Xoài (Bình Phước). Do diễn tiến bệnh nặng, bé tiếp tục được chuyển vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM trong tình trạng gồng người, tím môi, ói và tiêu chảy liên tục.
Các bác sĩ đã rửa dạ dày, cho bé uống than hoạt tính loại bỏ độc chất đồng thời đo điện tim và theo dõi nhịp tim liên tục. Sau 4 ngày điều trị, bé V. đã xuất viện trong tình trạng ổn định.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, thịt cóc có tỉ lệ đạm rất cao và không chứa nọc độc. Tuy nhiên, trong cóc chứa độc tố bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt - có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng), có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Người ta ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể khiến 4 – 5 người khỏe mạnh tử vong.
Triệu chứng ngộ độc
Từ 1 – 2 giờ sau khi ăn cóc, trẻ thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc, người dân tốt nhất không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nếu ăn, tuyệt đối không ăn trứng và gan; không để da, nhựa cóc dính vào thịt; tránh làm vỡ trứng hoặc dính trứng cóc trong thịt; không nên sử dụng các sản phẩm “bột thịt cóc” chưa được kiểm định để chữa suy dinh dưỡng cho trẻ.