Ăn thịt cóc, 2 cháu bé bị ngộ độc
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, tối 21/9 Khoa tiếp nhận 2 anh em ruột bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc.
Hai cháu bé nhập viện là Nguyễn Nhật Minh (8 tuổi), Nguyễn Nhật Minh Hải (3 tuổi) ở Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó (trưa 21/9) gia đình bắt được con cóc lấy bộ trứng nướng lên cho con ăn. Sau khi ăn chừng 30 phút, cả 2 anh em đều có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục, gia đình cũng nghĩ ngay đến ngộ độc cóc và đưa đến BV Đa khoa Lương Sơn cấp cứu sau đó được chuyển lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cả hai bé đều bị ngộ độc nhẹ, mới có biểu hiện ngộ độc trên đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn do ăn lượng rất ít. Vì thế, sau 3 ngày truyền dịch thải độc, tình trạng các cháu đã ổn định.
Nguyễn Nhật Minh (8 tuổi), Nguyễn Nhật Minh Hải (3 tuổi) ở Kỳ Sơn, Hòa Bình bị ngộ độc thịt cóc nướng đang điều trị tại bệnh viện
Theo các bác sĩ, thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng), có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4 – 5 người khỏe mạnh.
Các chuyên gia cảnh báo, người dân không nên ăn thịt cóc. Cóc với sức khoẻ của con người bên cạnh những lợi ích là những nguy cơ rất lớn đe doạ đến sức khỏe và tính mạng con người.
Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành; nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt mầu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.