Ăn gan có độc như lời đồn?
Không phải bất cứ các kim loại nặng nào, hay chất có hại nào cũng chỉ tập trung ở gan động vật.
Tôi luôn thắc mắc vì sao gan động vật là thực phẩm bổ sung sắt tốt nhưng nhiều thông tin cho rằng gan là nơi thải độc nên sẽ chứa độc tố. Vậy ăn gan thế nào để không ảnh hưởng bởi các chất độc từ gan động vật?
Bạn đọc Bảo Bình, TP.HCM hỏi:
Thạc sĩ Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM trả lời:
Nếu như chúng ta còn giữ quan điểm gan là nơi chứa độc tố của con vật thì cần phải thay đổi.
Một con vật khi ăn đồ ăn, và các đồ ăn đó sẽ cung cấp dinh dưỡng cho chúng thì gan là nơi dự trữ sắt, kẽm vitamin A. Bên cạnh đó, nếu như có một số kim kim loại nặng như chì cũng có thể tích tụ một chút ở gan.
Dù vậy, có một thực tế, không chỉ ở gan mà các bộ phận khác như thịt, não động vật cũng có thể tích tụ kim loại nặng. Đơn cử như thủy ngân, asen có thể tập trung ở thận, não, hay như chì cũng sẽ tập trung ở xương. Với một số con vật ăn nhiều chất tăng trọng thì chúng tập trung ở thịt, kháng sinh cũng phân bổ khắp các mô trong cơ thể của con vật...
Như vậy, có thể thấy gan không phải là nơi tập trung toàn bộ các chất không cần thiết hay chất có hại cho cơ thể.
Một con vật được nuôi dưỡng tự nhiên thì gan sẽ chứa kẽm, sắt vitamin A rất tốt... Ngược lại, nếu con vật này ăn thực phẩm công nghiệp, chứa kim loại nặng nhiều thì gan sẽ gia tăng việc dự trữ kim loại nặng và bên cạnh đó thịt, não, thận của chúng cũng sẽ có kim loại nặng đó. Do đó, chúng ta nên ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nuôi dưỡng tự nhiên.
Dù vậy, khi ăn gan, người dân cũng không nên ăn quá thường xuyên. Nếu cơ thể khỏe mạnh, không bị mỡ máu thì có thể ăn một đến hai lần trong một tuần, và ăn cùng nhiều thực phẩm rau, củ, thịt, cá khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Các khuyến cáo, người lớn chỉ nên ăn nội tạng động vật 2-3 bữa/tuần, tương đương 50-70 g mỗi lần.