Ấn Độ: Hai chị em ruột cùng bị lão hóa

Có 2 đứa trẻ người Ấn Độ mắc phải căn bệnh lạ khiến da dẻ hai em nhăn nheo và có những triệu chứng như bệnh của người già.

Đó là Keshav Kumar, 18 tháng tuổi, và Anjali Kumari, 7 tuổi. Cả hai đứa trẻ đều có làn da chảy xệ, khớp xương đau nhức và mặt bị sưng.

Bác sĩ Kailash Prasad, một chuyên gia nhi khoa tại bệnh viện công ở TP Ranchi, đã xét nghiệm cho hai chị em và nói: “Đây có vẻ như là bệnh di truyền được gọi là Progeria. Khả năng khác là Cutis Laxa. Hai bệnh này có mức độ phức tạp tương đương nhau. Đây là một loại rối loạn rất hiếm gặp”.

Ấn Độ: Hai chị em ruột cùng bị lão hóa - 1

Bé Keshav Kumar trái) và chị Anjali Kumari. Ảnh: COVER ASIA PRESS

Hiện 2 bé đang sống với cha mẹ, ông Shatrughan Rajak, 40 tuổi, và bà Rinki Devi, 35 tuổi, tại TP Ranchi, bang Jharkhand. Đứa con gái đầu lòng của họ, Shilpi, 11 tuổi, may mắn không mắc phải căn bệnh trên.

Ông Shatrughan, làm nghề giặt ủi với thu nhập 4.500 rupee/tháng, cho biết: “Tôi mong sao sẽ có thuốc chữa cho con. Mọi người ở đây đều gọi chúng là “ông bà già” và điều đó khiến tôi rất đau lòng. Chúng tôi đã cố tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ địa phương nhưng họ nói rằng chỉ ra nước ngoài mới có cơ may chữa được bệnh”.

Khi Anjali mới được 6 tháng, cô bé đã phải vào viện vì bệnh viêm phổi. “Sau khi khỏi bệnh, đột nhiên cơ thể con bé khô đét lại và da dẻ chảy xệ xuống. Chúng tôi đem nó trở lại bệnh viện nhưng người ta nói không thể chữa khỏi căn bệnh này và chỉ có thể trông đợi vào phép màu. Họ bảo sẽ báo cho chúng tôi nếu có thuốc chữa nhưng mãi vẫn chẳng có tin tức gì. Kể từ đó, da con bé lão hóa rất nhanh” - ông Shatrughan nói thêm.

5 năm sau, họ quyết định sinh thêm một đứa con. Bé trai Keshav ra đời và ngay lập tức, họ phát hiện cậu bé cũng có những triệu chứng giống như chị gái.

“Chúng tôi không đưa Keshav tới bác sĩ vì tôi biết nó bị giống như Anjali. Chúng tôi rất nghèo trong khi chuyện khám bệnh rất tốn kém” - ông Shatrunghan buồn rầu nói.

Hai đứa bé đáng thương trên thường bị trêu chọc vì ngoại hình kỳ lạ và chúng đi đến đâu cũng bị nhìn chằm chằm như người ngoài hành tinh. Chúng mơ ước được bình thường như những đứa trẻ khác nhưng đáng buồn thay, bệnh của chúng không có thuốc chữa.

Trả lời phỏng vấn báo chí, cô bé Anjali thổ lộ bé thường phải nghe những từ ngữ khó nghe khi đến trường. “Cháu biết cháu khác các bạn về tất cả mọi thứ, từ khuôn mặt đến cơ thể. Mặt cháu lúc nào cũng sưng lên trong khi mọi người đều bình thường. Mọi người luôn nhìn chằm chằm vào cháu và trêu chọc. Các bạn ở trường hay gọi cháu là “bà ngoại”, “bà già”, “con khỉ” và điều này khiến cháu rất khó chịu. Cháu muốn được đối xử như một đứa trẻ bình thường” - cô bé buồn bã thổ lộ.

Ấn Độ: Hai chị em ruột cùng bị lão hóa - 2

Mong ước nhỏ nhoi của Anjali là được bình thường như chị gái. Ảnh: COVER ASIA PRESS

“Cháu thực sự ước rằng mình sẽ xinh đẹp được như chị gái. Ba mẹ cháu hy vọng một ngày nào đó cháu sẽ trở lại bình thường. Nhưng cháu rất buồn khi thấy cha mẹ cháu phải đau khổ và xấu hổ vì cháu. Mong ước duy nhất lúc này của cháu là được chữa khỏi bệnh. Cháu muốn có một cuộc sống không có những cơn đau đớn” - Anjali nói thêm.

Bé Shilpi, chị cả, tỏ ra rất quan tâm và bảo vệ hai em. Em nói: “Cháu rất tức giận khi mọi người trêu chọc các em. Cháu sẽ mãi ở bên cạnh hai em nhưng cháu mong chúng sẽ học thật giỏi để không phải dựa dẫm vào ai cả khi lớn lên. Cháu sẽ dạy hai em trở nên mạnh mẽ”.

Hiện tại Anjali đã phải trải qua những triệu chứng thường hay gặp ở người già. Các khớp xương của bé đau nhức, thở khó, da chùng xuống và mắt kém. Hệ miễn dịch của bé cũng rất yếu khiến em thường xuyên bị bệnh.

Bà Rinki, mẹ của hai đứa trẻ, buồn bã: “Tôi luôn xoa bóp chân cho Anjali, con bé lúc nào cũng đau đớn. Anjali liên tục hỏi tôi khi nào con bé mới được như chị nó”.

Mỗi tháng, ông Shatrughan bỏ ra 500 rupee để điều trị cho Anjali và Keshav nhưng việc này không đem lại kết quả. Vả lại, ông cũng không có đủ tiền để chi trả cho thuốc men.

“Tôi vô vọng rồi. Giờ chỉ chờ đợi một phép màu thôi” - ông Shatrunghan tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hạnh (Người lao động/ Daily Mail)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN