Ăn cua đồng đúng cách ngày hè

Cua đồng có nhiều canxi và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, phổ biến nhất là món canh cua nấu với nhiều loại rau vừa mát vừa có giá trị dinh dưỡng cao. Để ăn cua đồng đúng cách và tránh phải những cách chế biến sai lầm gây nguy hại sức khỏe, mọi người nên biết những điều này.

Ăn cua đồng đúng cách ngày hè - 1

Cua đồng chứa nhiều Kali và Prunes - những người mắc bệnh gout không nên sử dụng. Ảnh: T.L

Cẩn trọng với cua đồng xay sẵn

Bình thường để có được một bát canh cua, người nội trợ phải mua cua ở chợ về rửa sạch, bóc mai, lấy gạch rồi giã hoặc xay, lọc lấy thịt cua. Giờ đây mọi công đoạn đã được rút gọn.

Nhằm chiều khách hàng hầu hết tại các chợ hiện nay các tiểu thương đều trang bị máy xay cua để sẵn xay miễn phí, người mua chỉ cần mang về lọc lấy nước. Nhiều người vì quá bận thường chọn cách sơ chế thực phẩm này để tiết kiệm thời gian, công sức. Thậm chí còn mua sẵn cua xay qua mạng. Đa phần mọi người có tâm lý rằng thịt cua xay sẵn bẩn thì bẩn nhưng nấu lên vi trùng vi khuẩn cũng chẳng còn.

Thông tin cơ quan chức năng tại Hà Nội vừa phát hiện cơ sở sản xuất hơn 8 tấn cua xay sẵn đã bốc mùi hôi thối đang được cơ sở “tân trang” chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ như một lời cảnh báo với những người thích món cua đồng xay sẵn. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện cua đồng xay được trộn thêm hóa chất không rõ nguồn gốc để có thể để được lâu. Ngoài ra, điều kiện nhà xưởng cũng không đảm bảo vệ sinh. Cơ sở chưa được cấp phép, làm giả nhãn mác. Chủ cơ sở khai nhận đã thu mua cua gạch trôi nổi trên thị trường, đóng gói tiêu thụ ra thị trường.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, chính tâm lý dễ dàng của người tiêu dùng đã khiến việc tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm sơ chế không có độ an toàn vệ sinh khá phổ biến. Cua đồng xay sẵn có tiện lợi thật nhưng đôi khi không có lợi.

Trong sản phẩm cua xay sẵn không tránh khỏi việc chủ sản xuất bất chấp vì lợi nhuận, trộn lẫn cua sống và cua chết. Thủy sản chết, nhất là cua không chỉ làm cho món ăn kém thơm ngon mà còn có thể sản sinh ra hàm lượng độc tố rất lớn. Trong cua chết có chứa độc tố axít amin histidine có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Lượng độc tố này sinh ra càng nhiều khi cua chết để càng lâu. Khi ăn lại chế biến không kỹ dễ ngộ độc cấp.

Hơn nữa, cua còn sống khi xay ra luôn tại chợ nếu người bán rửa cua không kỹ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Thường cua đồng chứa nhiều sán lại sống ở ao, hồ nên rất bẩn. Khi chế biến cần ngâm, rửa sạch nhưng ở chợ do không đủ nước và để tiết kiệm nên khâu rửa cua thường được người bán làm sơ sài. Máy xay cua cũng không đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ cua xay bị nhiễm virus, vi khuẩn là rất cao.

Bởi vậy tốt nhất các bà nội trợ nên mua cua về tự làm. Cua xay sau chế biến bảo quản an toàn nhất là trữ đông với nhiệt độ từ -12 độ C đến -22 độ C.

Lưu ý khi chế biến cua đồng

TS Bùi Quang Tề (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết, một sai lầm nhiều người mắc phải khi chế biến canh cua đồng thường làm nhiều một lúc, ăn không hết thì để tủ lạnh. Điều này rất sai lầm vì việc nấu lại cua không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn khiến thịt cua bị biến chất, nhiễm khuẩn.

Vào mùa hè thời tiết nóng, thức ăn rất dễ bị ôi thiu. Cua có vị tanh lại giàu chất đạm nên dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu khi tiếp xúc với môi trường. Khi ăn canh cua để lâu dễ có nguy cơ tiêu chảy, ngộ độc, nhất là những người hay bị lạnh bụng.

Khi ăn cua đồng không nên kết hợp với một số thực phẩm như quả hồng hay uống trà sau khi ăn. Bởi hai chất tannin và pectin trong quả hồng vốn là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Nếu chúng kết hợp với protein trong cua sẽ làm cho tình trạng tiêu hóa chậm, không hấp thụ được các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra có thể gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nặng có thể tạo thành sỏi… khi chất rắn tích tụ trong ruột rồi lên men và thối rữa.

Các chuyên gia lưu ý, có nhiều người hiện mách nhau sử dụng cua đồng rửa sạch giã lấy nước cốt uống khi cua còn sống sẽ giúp cơ thể dẻo dai, mạnh xương cốt. Điều này hoàn toàn sai lầm. Cua mang ký sinh trùng nguy hiểm là ấu trùng sán lá phổi Paragonimus. Ký sinh trùng sống bám trên cua đồng, khi vào tới ruột người, gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sau đó chúng đến phổi gây ho, đau tức ngực, khó thở, nóng sốt, nổi mề đay.

Sách Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh cũng đã lưu ý: “Cua đồng thì kiêng thứ sáu chân hoặc bốn chân, mắt đỏ, bụng dưới có lông, trong bụng có xương, đầu lưng có chấm sao, chân có khoang thì chớ ăn mà hại người, nên cẩn thận”. Một số người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy hay mới ốm dậy không nên dùng canh cua.

Nhận diện cua đồng và cua nuôi

4Cua đồng thường có màu vàng óng, mai cua bóng và cua rất khỏe. Hai càng cua thường không cân đối, một bên to hơn bên còn lại rất nhiều lần. Gạch cua vàng.
4Cua nuôi: Có màu rất lạ như xanh, trắng đục, xám. Cua nuôi không được khỏe nên khi người bán để trong chậu thì cua ít bò và dễ rụng càng không như cua đồng bắt lên bờ có thể để từ hai tới bốn ngày là bình thường.

Những người không nên ăn cua

- Người dị ứng với cua: Những người sau khi ăn cua có biểu hiện ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy, thậm chí khó thở, co thắt phế quản, nguy hiểm đến tính mạng.
- Người mới khỏi bệnh: Theo Đông Y, cua có tính hàn nên ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hóa.
- Người bị tiêu chảy: Những ai đang bị tiêu chảy tuyệt đối không nên ăn các món chế biến từ cua đồng. Cua đồng có tính lạnh vì có thể khiến người đang bị bệnh, bị tiêu chảy càng bị nặng thêm, gây nguy hiểm đến sức khỏe.
- Người bị bệnh tim mạch: Bởi vì gạch cua có chứa nhiều cholesterol (trong 100 gam thịt cua có đến 125 mg cholesterol) nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế ăn cua đồng.
- Người bị bệnh gout: Cua đồng chứa nhiều kali và prunes nên không tốt cho người bị bệnh gout.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (Gia Đình & Xã Hội)
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN