Ăn chay chữa bệnh, cẩn thận tác dụng ngược
Suy nghĩ sai lầm trong việc “độc món” chay như gạo lứt, rau xanh hay hoa quả có thể sẽ gây tác dụng ngược.
Ngay cả với những người khỏe mạnh, việc chỉ sử dụng gạo lứt hàng ngày cũng có thể khiến cơ thể suy nhược vì thiếu chất
Theo các chuyên gia, ăn chay cũng là một phương pháp thực dưỡng hỗ trợ điều trị bệnh, tuy nhiên suy nghĩ sai lầm trong việc “độc món” chay như gạo lứt, rau xanh hay hoa quả có thể sẽ gây tác dụng ngược.
Ung thư di căn vì tin “gạo lứt chữa bệnh”
Nhập viện trong tình trạng ung thư vú đã ở giai đoạn cuối, di căn vào xương, phổi, chị Nguyễn Thị N. (Nghệ An) quằn quại đau đớn trên giường bệnh. 10 tháng trước, khi mới phát hiện mắc ung thư vú với khối u còn rất nhỏ, chị N. được các bác sĩ chỉ định nên mổ và tư vấn việc can thiệp kịp thời vẫn mang lại nhiều cơ hội, tiên lượng tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, e ngại “nỗi lo đụng dao kéo”, chị N. từ chối phẫu thuật. Nghe mách nước “gạo lứt chữa được ung thư”, chị N. quyết định chỉ ăn gạo lứt trường kỳ và ngồi thiền với hi vọng đẩy lùi bệnh tật, bỏ mặc lời khuyên của bác sĩ. Sau thời gian chỉ dùng gạo lứt, cơ thể chị N. ngày một suy kiệt, gia đình buộc phải đưa chị tái khám. Với trường hợp của chị N., bác sĩ cũng “lắc đầu” vì đã ở giai đoạn di căn của ung thư, chỉ có thể can thiệp giảm đau giúp người bệnh sống nhẹ nhàng hơn.
Cũng tương tự với “liệu pháp chỉ dùng gạo lứt chữa bệnh”, bà Trần Phương L. (Phú Thọ) cũng nhập viện khi bác sĩ đã “bó tay” vì cơ hội điều trị ung thư dạ dày không còn. Theo lời con trai bà L., dù phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm với chỉ định phẫu thuật nhưng mẹ anh nằng nặc đòi về. “Không hiểu đọc được thông tin loại gạo lứt huyết rồng, gạo thảo dược trị được ung thư dạ dày ở đâu nhưng bà nhất quyết không đến bác sĩ mà ngày ngày chỉ ăn độc món đó, đến nước uống cũng từ gạo lứt…”, con trai bà L. cho biết. Hiện, căn bệnh ung thư dạ dày của bà L. đã ở giai đoạn muộn, di căn.
Nguồn dinh dưỡng hợp lý một ngày cơ thể cần: Tinh bột 65%, protein 15%, chất béo 20%. Ngoài ra cần chú ý phân bổ lượng thức ăn. Bữa sáng sẽ quan trọng nhất (ít nhất phải đạt 1/3 khẩu phần của cả ngày), sau đó trưa, tối cần giảm đi". BS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia |
Còn ông Nguyễn Trần Tr. (Hoàng Mai, Hà Nội), từ hôm đi khám phát hiện gan nhiễm mỡ chỉ số cao, ông quyết nói không với tất cả các món có liên quan đến dầu mỡ. Không những vậy, gần chục ngày nay, ông quyết định thắt chặt “đầu vào”, chỉ ăn rau với suy nghĩ “càng kiêng kỹ càng tốt cho căn bệnh gan nhiễm mỡ”.
Theo BS. Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn BV Ung bướu Việt Hưng, trên thực tế việc sử dụng thực phẩm trong hỗ trợ điều trị bệnh còn được gọi là phương pháp thực dưỡng. Tuy nhiên, phải hiểu rõ đó chỉ là phương pháp mang tính hỗ trợ, không phải là điều trị bệnh. Điều đáng nói, nhiều loại thực phẩm lại được đồn thổi với công dụng chữa bệnh cho dù chưa được nghiên cứu khoa học kỹ càng. Điều này khiến người bệnh, nhất là bệnh nhân mắc ung thư dễ hiểu lầm, bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh.
Ăn chay nhưng vẫn phải đủ chất dinh dưỡng
Theo BS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gạo lứt thực chất là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong nên vẫn giữ được chất xơ và các dưỡng chất quan trọng khác như: Các loại vitamin, canxi, sắt, kẽm và đạm. Gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như các nhóm thức ăn giàu protit, lipit, rau, củ, quả khác để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể. “Ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường, việc chỉ sử dụng mỗi gạo lứt hàng ngày cũng có thể khiến cơ thể suy nhược trầm trọng vì thiếu những chất mà trong gạo lứt không có. Chưa kể đến người đang mắc bệnh, khi cơ thể yếu đi lại là cơ hội cho mầm bệnh bùng phát”, ông Hưng cho biết.
Bàn luận về việc người bệnh chỉ dùng rau trong việc hạn chế bệnh gan nhiễm mỡ, BS. Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cũng cho hay: “Điều này là tuyệt đối không nên. Bởi, trong rau chỉ có các vitamin nhưng rất ít năng lượng. Khi cơ thể thiếu năng lượng đột ngột sẽ bị suy giảm miễn dịch nhanh chóng, càng dễ đổ bệnh. Về khoa học, có thể ăn chay nhưng tuyệt đối không chỉ ăn chay nguyên bằng rau”.
Ông Hưng cũng khuyến cáo: “Dù với mục đích gì, việc ăn chay vẫn phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng như: Protit, lipit, vitamin… Còn việc chỉ ăn độc một món chay là cách sử dụng thực phẩm phi khoa học, có hại cho sức khỏe con người”.