Ăn bơ: Sức khỏe như mơ

Sự kiện: Sống khỏe

Quả bơ rất hiệu nghiệm trong việc làm giảm lượng cholesterol “xấu” và tăng lượng cholesterol “tốt”.

Khi được hỏi về quả bơ, có rất nhiều người lắc đầu quầy quậy: “Ăn thì ngon nhưng nhiều chất béo quá!”. Cho tới gần đây, những người ưa chuộng loại trái cây này mới thở phào nhẹ nhõm vì chất béo hiện diện trong quả bơ là một loại có lợi cho sức khỏe.

Ăn bơ: Sức khỏe như mơ - 1

Quả bơ đã khẳng định tên tuổi mình về năng lực kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Bạn chí cốt của hệ miễn dịch

Quả bơ đã khẳng định tên tuổi mình về năng lực kiểm soát bệnh đái tháo đường. Loại trái cây này là nguồn cung cấp chất béo đơn, chưa bão hòa (monounsaturated fats), lượng chất béo này chiếm khoảng 2/3 tổng lượng chất béo có trong quả bơ. Các nghiên cứu cho thấy chất oleic acid có trong bơ sẽ làm giảm tần suất rủi ro về tim mạch ở những người mắc bệnh đái tháo đường

Những bệnh nhân đái tháo đường nếu ăn những loại thức ăn có chứa nhiều carbohydrate sẽ bị tăng lượng triglycerides trong máu. Sự gia tăng này sẽ “hợp lực” với những yếu tố khác gây ra các bệnh tim mạch. Chất béo chưa bão hòa có trong quả bơ có tác dụng hạ triglycerides trong máu, kiểm soát đường huyết và giúp insulin hoạt động một cách hiệu quả hơn.Bơ có tác dụng hỗ trợ hoạt động thần kinh và bảo vệ tim mạch Ảnh: Hoàng TriềuBơ có tác dụng hỗ trợ hoạt động thần kinh và bảo vệ tim mạch Ảnh: Hoàng Triều

Một lợi ích khác của quả bơ chính là nguồn cung cấp chất xơ vô cùng phong phú. Cứ một quả bơ chứa khoảng 10 g chất xơ (khoảng 40% lượng chất xơ được đề nghị hằng ngày). Vai trò của chất xơ trong cơ thể thì “hết chỗ chê”, trước là hỗ trợ quá trình tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột, bảo vệ ruột; sau là làm giảm cholesterol, bảo vệ tim mạch... Một nghiên cứu được thực hiện tại Mexico đã chứng minh rằng quả bơ rất hiệu nghiệm trong việc làm giảm lượng cholesterol “xấu”, đồng thời làm tăng lượng cholesterol “tốt”.

Quả bơ cũng là người bạn chí cốt của hệ miễn dịch, giúp bộ xương khỏe khoắn vì thịt quả bơ cung cấp cho cơ thể nhiều loại khoáng chất vi lượng như phốt-pho và kẽm. Không chỉ đóng vai trò quan trọng là tăng cường miễn dịch, kẽm còn có vai trò lớn trong việc sản xuất bạch huyết cầu, vì lẽ đó quả bơ cũng có tác dụng phòng và trị các bệnh cảm cúm.

Bơ “tốt bụng” với bà bầu

Đối với những phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai thì không nên bỏ qua loại trái cây “tốt bụng” này bởi trong thịt của nó có chứa nhiều folate. Folate đã từ lâu không hổ danh là một vitamin của thai phụ vì có tác dụng ngăn ngừa tình trạng sinh con dị tật.

Ngoài ra, folate có trong quả bơ còn có tác dụng hỗ trợ các hoạt động chức năng của thần kinh. Thêm nữa, quả bơ có tác dụng bảo vệ tim mạch nhờ “tác động kép”: trong khi folate làm giảm hàm lượng chất homocystein (thủ phạm chính gây ra các bệnh về tim mạch) thì chất oleic acid trong quả bơ làm giảm hiện tượng xơ vữa mạch. Quả bơ cũng chứa một lượng kali nhờ đó có khả năng giúp hạ huyết áp, phòng ngừa đột quỵ...

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Nutrition cho thấy nếu ăn quả bơ trong bữa ăn sẽ giúp cơ thể hấp thu được thêm nhiều chất dinh dưỡng khác như alpha-carotene, beta-carotene, lutein, lycopene... vì những chất này cần có sự hiện diện của chất dầu để được hấp thu tốt hơn.

Tóm lại, chỉ một câu ngắn gọn sau đây cũng đủ nói lên vai trò cống hiến của quả bơ. Đó là: Bơ bổ, béo, bùi; bơ biến bớt bệnh; bơ bạn bà bầu.

Nửa trái bơ chứa khoảng 14,7 g chất béo. Thoạt nghe ai cũng giật mình vì đây là hàm lượng chất béo tương đối cao. Nhưng khoan, hãy cho quả bơ một cơ hội “nói lại cho rõ” bởi sự thật là khi ăn điều độ, bơ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, do đó “tai tiếng” về hàm lượng chất béo cao của nó cần được xem xét lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (Người lao động)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN