Ăn 50 quả ớt cùng lúc - trò 'câu view' gây hại sức khỏe
Nhiều TikToker tham gia thử thách mukbang ớt để tăng tương tác với khán giả, "kiếm view", trong khi các bác sỹ nói đây là hành vi nguy hiểm, có thể gây hại sức khỏe.
Mukbang là xu hướng ẩm thực trực tuyến bắt nguồn từ Hàn Quốc, trong đó nhân vật chính sẽ ăn trực tiếp rất nhiều thực phẩm trước camera và tương tác với khán giả. Các video mukbang có thể tạo ra phản ứng cảm giác, còn gọi là ASMR. Cảm giác này sinh ra từ một phần não bộ khiến người dùng thư giãn, thoải mái. Những âm thanh quen thuộc khi ăn như húp, nhai và hình ảnh từ món ăn kích hoạt phản ứng ASMR cho người xem, khiến não giải phóng một số loại hormone "hạnh phúc" như dopamine, oxytocin, endorphin.
Gần đây, nhiều TikToker ở Việt Nam đăng tải video mukbang ăn ớt, thu hút hàng triệu lượt xem và được lan truyền rất nhanh. Với thử thách này, mọi người ăn vài chục, thậm chí 40 - 50 quả ớt xanh, đỏ cùng với bún, cơm, mì... Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "ăn ớt" trên các nền tảng xã hội, hàng loạt video tương tự hiện ra.
Thử thách ăn mì với ớt tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ăn ớt có lợi nhưng không nên lạm dụng, gây hại sức khỏe. "Đây là thử thách nguy hiểm, không cưỡng ép bản thân chạy theo chỉ để kiếm lợi nhuận", bác sĩ Vũ nói.
Năm ngoái, một số học sinh tại Massachusetts, Mỹ đã phải nhập viện, thậm chí tử vong sau khi thực hiện các thử thách ăn cay. Hồi tháng 7, 14 học sinh ở Tokyo nhập viện sau khi ăn khoai tây chiên giòn siêu cay, nguyên liệu làm từ một loại "ớt ma" nguồn gốc Ấn Độ.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông Y, cho biết chất Capsaicin trong ớt sẽ làm tuần hoàn máu tăng nhanh, khiến tim đập nhanh hơn. Những người mắc các bệnh liên quan tim mạch và mạch máu não, viêm phế quản mãn tính, cao huyết áp không nên ăn ớt.
Capsaicin còn có thể gây kích ứng da nghiêm trọng. Sau khi ăn cay, nhiệt độ cơ thể tăng lên và kích thích tuyến mồ hôi tiết ra, khiến da đổ dầu nhiều hơn. Bụi bẩn và vi khuẩn dễ bám lại trên dầu ở da gây mụn, thậm chí là tạo thành vết chàm.
Các nghiên cứu cũng cho thấy ăn cay gây chứng hôi miệng. Khi bạn ợ nóng, thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản, điều này có thể gây ra mùi hôi phát ra từ miệng. Một số trường hợp dây thanh âm bị viêm, khiến bạn khàn giọng. Đặc biệt khi bạn vừa ăn cay đã nằm ngủ, các axit trong dạ dày trào ngược trở lại, đốt cháy niêm mạc thực quản gây khó ngủ.
Ăn ớt có thể gây đau ruột, đặc biệt ở những người bị hội chứng ruột kích thích. Bệnh nhân bị viêm túi mật, trĩ ăn ớt sẽ làm bệnh nghiêm trọng hơn. Phụ nữ mang thai và mới sinh ăn cay nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, người viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày, viêm túi mật mãn tính, sỏi mật, trĩ, đau mắt đỏ, viêm giác mạc... không nên tiêu thụ.
Chuyên gia khuyến cáo nguyên tắc trong ăn uống lành mạnh, bao gồm ăn đủ năng lượng, cân đối các chất, cân đối các bữa trong ngày và đa dạng thực phẩm. Không nên ăn quá cay, hạn chế đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng và đồ chiên, nướng. Mỗi ngày nên bổ sung 500-600 g rau củ quả, 200-300 g trái cây, chỉ ăn no đến 80%.
"Tuyệt đối không bất chấp kiếm tiền, kiếm views mà lơ là sức khỏe", bác sĩ nói.
Nhiều người bất chấp sức khỏe để kiếm tiền, quảng cáo. Ảnh chụp màn hình
Quả ớt còn có nhiều tên gọi khác nhau như Lạt tiêu, Lạt tử, Ngưu giác tiêu, Hải tiêu... Ớt có vị cay, nóng, vừa làm thực phẩm vừa làm thuốc. Ớt có nhiều loại như ớt sừng trâu, ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt tím, ớt dài, ớt chuông. Trong ớt chứa nhiều protein, glucid, chất xơ, vitamin C, caroten. So với cam, ớt giàu vitamin C hơn, 100 g ớt cay tươi chứa tới 144 mg vitamin C, đứng đầu trong các loại rau tươi. Liều dùng phù hợp từ 6-12 g/ngày.
Thực tế, nhiều người có thể chịu đựng được sự cay nóng hơn những người khác gấp nhiều lần. Theo Insider, cơ thể mỗi người có sự nhận thức cảm tính khác nhau. Có người cực kỳ nhạy cảm, có người có xu hướng tăng dần cấp độ cay của mình lên.
Ngoài ra, ảnh hưởng văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhiều người có cơ hội tiếp cận và ăn những thực phẩm cay nóng thường xuyên từ khi còn trẻ, nên sớm hình thành thói quen ăn cay. Nghiên cứu cho thấy chỉ số vị giác cay được hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ, biểu hiện bằng việc mẹ bầu ăn cay khi đang mang thai và cho con bú, từ đó trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng.
CDC Hà Nội cảnh báo trào lưu “bắt pen” đang được lan truyền trên TikTok cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Nguồn: [Link nguồn]