Ám ảnh những tiếng "bíp, bíp" trong phòng cấp cứu
Những ngày đầu tháng 9, âm thanh chủ yếu trong phòng cấp cứu khoa Tim mạch can thiệp BV 115 là tiếng “bíp, bíp” ngắn đều đặn phát ra liên tục từ những chiếc máy theo dõi nhịp tim bệnh nhân.
Trong vô vàn tiếng “bíp” ấy bỗng có tiếng kéo dài bất thường, đồng thời giọng một phụ nữ la lên: “Cứu… chồng tôi...”. Trên màn hình chiếc máy theo dõi nhịp tim bệnh nhân ấy xuất hiện một đường thẳng nằm ngang và những con số 0 màu đỏ nhấp nháy. Lập tức đội ngũ y, bác sĩ chạy về phía đó xắn tay áo cấp cứu. Một bác sĩ dùng hai tay nhồi lồng ngực bệnh nhân, năm giây, 10 giây rồi 20 giây trôi qua mà không có dấu hiệu khả quan nào. Cô y tá cầm chiếc máy kích thích nhịp tim trao cho vị bác sĩ. Và sau hai lần rung giật lồng ngực bệnh nhân, cái đường thẳng định mệnh của bệnh nhân trên màn hình bắt đầu ngo ngoe như một con giun ngóc đầu dậy bò uể oải.
Cũng chiều ấy, sau hai tiếng “ặc, ặc” phát ra từ cổ họng của một bệnh nhân đang thở ôxy trong góc phòng thì tiếng hét của người nuôi bệnh thảng thốt: “Ối bác sĩ ơi, cứu mẹ em…!”. Nhưng mọi cố gắng của y, bác sĩ đều vô hiệu. Cái đường thẳng định mệnh trên màn hình không hề thay đổi đã tiễn biệt bệnh nhân về cõi vĩnh hằng. Cô gái đứng bên bàng hoàng gào lên: “Bác sĩ… cứu lấy mẹ tôi đi chứ!”. Nhưng chuyện chết chóc xảy ra ở trong phòng cấp cứu tim mạch là bình thường. Y, bác sĩ lặng lẽ thu xếp dụng cụ.
Cách phòng cấp cứu hai phòng bệnh là phòng “Chờ can thiệp tim mạch” của bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo. Có thể nói đây là phòng của bệnh nhân nghèo bởi giá phòng rẻ nhất. Có vào đây mới thấy được tình cảm trân quý trong cuộc sống và nỗi niềm cheo leo sinh mạng của con người. Thân nhân bệnh nhân chia sẻ nhau từng hộp cơm, chén cháo từ thiện. Bệnh nhân thể hiện sự vui vẻ lạc quan, an ủi nhau ngay cả khi chính họ biết rằng mình có thể rời cõi nhân gian này bất cứ lúc nào.
Anh Khanh, 51 tuổi, bị nhồi máu cơ tim khá nặng. Tỉnh lại từ phòng cấp cứu ra, được bác sĩ tư vấn tiến trình điều trị, anh trải lòng với người bệnh bên cạnh: “Vợ tui mất sớm để lại ba đứa con dại. Thương con, tui lao vào làm lụng không kể ngày đêm để chúng được học hành. Ai ngờ lại đổ bệnh sớm khi hai đứa lớn đang học đại học, đứa gái út thì đang học cấp III, nợ nần xóa đói giảm nghèo của Nhà nước tui chưa trả được. Dù đã có bảo hiểm y tế nhưng lấy đâu ra những 50 triệu đồng để chữa bệnh, đành về nhà chữa thuốc Nam thôi. Tôi không sợ chết mà thương cho những đứa con học hành dang dở…”.
Ở giường bên, vợ anh Huấn ngân ngấn nước mắt, xếp lại đồ dùng đưa chồng xuất viện. Anh chị quê ở Vinh Hiền, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), cơn bão lũ lịch sử năm 1999 cuốn hết nhà cửa anh chị ra biển Đông. Từ đó anh chị vào TP.HCM làm thuê làm mướn, ở trọ, sinh con, rồi nuôi con ăn học. Anh Huấn không có bảo hiểm y tế, bị tắc hai mạch máu nuôi tim, bác sĩ bảo phải đặt hai ống thông thì tính mạng mới bớt nguy hiểm. 100 triệu đồng đó là số tiền cần phải có mà vợ anh Huấn đã chạy vạy mấy ngày qua nhưng không thể có bởi bạn bè ai cũng nghèo. Một người nuôi bệnh hỏi anh Huấn: “Anh chị tính sao mà xin xuất viện?”. Anh buồn bã nói: “Chẳng biết tính răng nữa, ở quê hay ở thành phố cũng là kiếp không nhà, không tiền. Chừ sức khỏe như ri chỉ biết về nằm nhà trọ mà phó thác cho số mệnh…”.
Nhiều bệnh nhân đã chữa được bệnh, khi xuất viện họ chào người ở lại với mặt mày rạng rỡ. Người ở lại thì chúc người về: “Đừng bao giờ trở lại đây nữa nghen!”. Với anh Huấn thì lời chúc ấy bằng thừa. Bởi khi đã không tiền thì về hay quay trở lại với anh có nghĩa gì đâu.