Ám ảnh: Người tự tử bằng thuốc diệt cỏ tỉnh táo đến lúc chết
Khác với bệnh lý khác, những người tự tử bằng thuốc diệt cỏ trong lúc sắp tử vong bệnh nhân rất tỉnh táo, hối hận, khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết.
Bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai
Chiều 14/2, tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm đã có những chia sẻ về những ca bệnh “tự tử do thuốc diệt cỏ paraquat”.
Đáng chú ý là bệnh nhân H.T.B. (sinh năm 1946, ở Đông Anh – Hà Nội) đang được người nhà làm thủ tục xin về nhà.
Theo các bác sĩ, trước đó 2 ngày, bệnh nhân phải nhập viện vì dùng thuốc diệt cỏ paraquat với mục đích tự tử. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng hệ tiêu hóa, hô hấp đã bị tổn thương. Sau hai ngày điều trị tích cực, tiên lượng bệnh nhân xấu nên gia đình đã xin về.
Một bệnh nhân khác (35 tuổi, Bắc Giang) vì giận vợ mà uống một ngụm paraquat. Hiện tại, cả bác sĩ, người nhà bệnh nhân và chính bản thân người bệnh đều nín thở, chờ đợi một phép màu sẽ đến.
“Cả hai bệnh nhân này, chất độc đã hấp thụ vào người. Dù làm đủ mọi cách, nhưng hiện tại chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Nếu bệnh nhân này qua được ít nhất 18 ngày (chắc chắn nhất là 3 tháng) không bị lên cơn khó thở, họ mới có cơ hội qua khỏi. Một khi đã lên cơn khó thở, nghĩa là phổi bị xơ tiến triển, không thể phục hồi, người bệnh chết vì suy hô hấp”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, nói.
Theo bác sĩ Nguyên, khác với bệnh lý khác, những người tự tử bằng thuốc diệt cỏ trong lúc sắp tử vong bệnh nhân rất tỉnh táo, hối hận, khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết.
“Đó là những hình ảnh đau thương, bất lực, ám ảnh cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh”, BS Nguyên chia sẻ.
BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc paraquat dẫn đến tử vong chiếm từ 70-90%. Đa số bệnh nhân tử vong sau 3-10 ngày, thậm chí có trường hợp tử vong sau 3 tháng ngộ độc do xơ phổi, suy hô hấp.
Còn những người được cứu sống, chi phí điều trị rất lớn. Chỉ tính riêng chi phí lọc máu điều trị ngộ độc paraquat có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị. Tuy nhiên, sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.
Cũng theo BS. Nguyên, có thể không có paraquat thì một số người vẫn dại dột tìm đến các cách tự tử khác. Song các thuốc khác, tỷ lệ cứu sống người bệnh cao hơn, còn với paraquat thì vô phương. Lúc này, các bác sĩ chỉ biết “nín thở” chờ phép màu.
Chỉ tính tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở y tế tuyến cuối về tiếp nhận các trường hợp ngộ độc trên cả nước, trong năm 2015 ghi nhận hơn 300 ca ngộ độc paraquat, năm 2016 là 450 ca. Các bệnh nhân đa phần trẻ tuổi, có ý định tự tử với nhiều lý do khác nhau, song tỷ lệ cứu sống người bệnh rất thấp.
BS. Nguyên cho rằng, paraquat là hóa chất rất độc và theo kinh nghiệm trước đó, nếu cấm càng sớm hoạt chất chứa paraquat thì chúng ta càng cứu sống được nhiều người hơn.
Ngày 8/2 vừa qua, Bộ NN&PTNN đã quyết định loại bỏ thuốc chứa hoạt chất paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực.