Ai nên tầm soát ung thư tuyến giáp?
Người từng tiếp xúc với bức xạ, gia đình có người mắc các hội chứng di truyền, thiếu iốt, béo phì, nên chủ động tầm soát ung thư thư tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp là khối u ác tính phát triển ở tuyến giáp (một tuyến nhỏ hình con bướm ở cổ), thường gặp ở nữ hơn nam giới. Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) năm 2022, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, với khoảng 6.120 ca mắc mới, hơn 850 người tử vong.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư tuyến giáp phát triển âm thầm, ít có triệu chứng sớm. So với các loại ung thư khác, ung thư tuyến giáp thường có tiên lượng điều trị tốt, khả năng chữa khỏi cao, giảm biến chứng nếu được phát hiện sớm. Bệnh không được điều trị kịp thời dễ phát triển di căn (thường đến hạch bạch huyết và phổi), có thể tử vong.
Tầm soát ung thư tuyến giáp định kỳ mỗi năm một lần, nhất là người có nguy cơ cao, có thể phát hiện bệnh sớm.
Tiếp xúc với bức xạ: Phóng xạ từ thảm họa hạt nhân, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp X-quang, xạ trị, iốt phóng xạ thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Tiền sử gia đình ung thư tuyến giáp: Người có người thân trực hệ ung thư giáp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 5 lần so với người bình thường.
Các hội chứng di truyền: Bệnh đa polyp, đa u nội tiết, hội chứng Carney, Cowden... khiến nguy cơ ung thư tuyến giáp tăng lên 10 lần. Riêng người mắc bệnh đa polyp tuyến gia đình được khuyến cáo nên theo dõi tuyến giáp thường xuyên. Người bệnh đa u tuyến nội tiết có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp thể tủy với tỷ lệ khoảng 70-100%, thường được khuyến cáo phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để dự phòng.
Người bị phì đại tuyến giáp (bướu cổ), viêm tuyến giáp, thiếu iốt, béo phì... cũng nên tầm soát loại ung thư này.
Bác sĩ Tùng khám cho người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Tùng cho biết phương pháp siêu âm tuyến giáp có thể phát hiện các cấu trúc bất thường của tuyến giáp. Trường hợp siêu âm thấy khối u trên tuyến giáp, bác sĩ chỉ định sinh thiết xác định u ác tính (ung thư) hay lành tính.
Triệu chứng ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn gồm khó thở, khó nuốt, mất giọng, sưng cổ... Khi khối u di căn sang các vùng khác trên cơ thể, người bệnh có thể mệt mỏi, ăn mất ngon, buồn nôn, ói mửa, giảm cân đột ngột.
Ngoài những người có yếu tố nguy cơ cao, người bình thường nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ cũng nên đi khám và tầm soát sớm để phát hiện bệnh kịp thời.
Nếu bạn đang bị rối loạn tuyến giáp thì việc bổ sung 5 chất dinh dưỡng quan trọng này vào chế độ ăn uống có thể nâng cao sức khỏe của mình.
Nguồn: [Link nguồn]