Ai không nên ngủ trưa?
Ngủ trưa trên 1 tiếng mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, đột quỵ, tử vong. Ngoài ra, một số nhóm người không nên ngủ vào ban ngày.
Ông Lý (người Trung Quốc) năm nay 65 tuổi. Ông luôn duy trì thói quen ngủ trưa sau khi ăn. Tuy nhiên, ông ngủ quá lâu vào ban ngày nên mất ngủ vào ban đêm. Sáng hôm sau, ông thấy mệt mỏi nên lại ngủ trưa để phục hồi sức lực, tạo nên một vòng luẩn quẩn.
Thấy ông Lý luôn bơ phờ, gia đình đưa ông đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho biết tình trạng bất thường của ông do ngủ trưa quá lâu và cần điều chỉnh chế độ ngủ càng sớm càng tốt.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ trưa sai cách như ông Lý có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tăng 40%
Các chuyên gia tại Đại học California (Mỹ) xem xét dữ liệu của hơn 1.000 người lớn tuổi trong 14 năm và tìm thấy mối quan hệ hai chiều giữa tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và thời gian ngủ trưa.
Cụ thể, so với những người ngủ trưa dưới 1 giờ/ngày, những người ngủ trưa hơn 1 giờ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng 40%.
Ngủ trưa kéo dài, sai tư thế không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: AI
Nguy cơ đột quỵ cao gấp 1,9 lần
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Ireland công bố trên tạp chí Thần kinh học cho thấy thời gian ngủ trưa trên 1 giờ mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 1,9 lần so với những người không có thói quen đó.
Nguy cơ tử vong tăng 30%
Tiến sĩ Pan Zhe (Đại học Y Quảng Châu, Trung Quốc) từng phát biểu tại hội nghị thường niên về Tim mạch châu Âu rằng thời gian ngủ trưa trên 1 giờ có liên quan đến nguy cơ tử vong tăng 30% và nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 35%. Kết luận dựa trên dữ liệu của khoảng 313.000 người trong hơn 20 nghiên cứu.
Nên ngủ trưa trong bao lâu?
Nhiều dữ liệu cho thấy khoảng thời gian ngủ trưa khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau cho cơ thể.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sleep của Mỹ chỉ ra những người ngủ trưa ngắn khoảng 10 phút có được sự tỉnh táo thấy rõ, hiệu quả suốt 2 đến 2,5 giờ sau khi thức dậy.
Các nhà khoa học của NASA phát hiện một giấc ngủ ngắn kéo dài 24 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc lên 24% và tinh thần minh mẫn lên 54%. Thói quen này cũng tốt cho tim mạch.
Tác dụng của ngủ trưa
Cải thiện tình trạng mỏi mắt: Sau một buổi sáng học tập và làm việc, đôi mắt của bạn rơi vào tình trạng mệt mỏi. Một giấc ngủ ngắn thích hợp giúp mắt được nghỉ ngơi, giảm mỏi mắt, khô mắt.
Bồi bổ gan thận: Giấc ngủ trưa là giai đoạn năng lượng dương mạnh mẽ, có thể nuôi dưỡng gan thận ở một mức độ nhất định, đặc biệt khi bạn ngủ ngon trong khoảng 11h tới 13h hoặc từ 23h tới 1h sáng hôm sau.
Giảm các bệnh về tim mạch: Ngủ trưa thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, hạ huyết áp.
Cải thiện trí nhớ: Những giấc ngủ ngắn giúp chuyển thông tin đã thu nạp vào buổi sáng từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.
Những người không nên ngủ trưa
Bác sĩ Peng Zhiping, Bệnh viện Công an Bắc Kinh (Trung Quốc), nhắc nhở rằng ngủ trưa đúng cách có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nhưng những nhóm người sau đây nên cân nhắc:
Người bị mất ngủ: Những người dễ mất ngủ vào ban đêm không nên ngủ vào ban ngày, nếu không sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng mất ngủ.
Người bị huyết áp thấp: Những giấc ngủ ngắn có thể làm giảm huyết áp và người bị huyết áp thấp dễ dàng xuất hiện các triệu chứng trầm trọng hơn như khó thở.
Người bị rối loạn tuần hoàn máu: Sau bữa trưa, một lượng lớn máu tập trung ở dạ dày để tiêu hóa, lượng oxy cung cấp lên não sẽ giảm, dễ gây chóng mặt.
Nguồn: [Link nguồn]
Một giấc ngủ trưa 20-30 phút có thể mang lại những lợi ích khó tin, bao gồm lợi ích tức thời trong ca làm việc chiều lẫn lợi ích lâu dài trong việc...