Ai dễ bị nhiễm liên cầu lợn nhất?
Những người dễ bị nhiễm liên cầu lợn thường là người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt heo ốm chết.
Chiều 1-11, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 39 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, khả năng cao là do ăn lòng lợn mua ở chợ. Bệnh nhân phải mổ cấp cứu, cắt bỏ 2 bàn chân và phần ngón tay ở hai bàn tay, để loại bỏ phần hoại tử do nhiễm liên cầu lợn. Hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.
Thông tin từ Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay: Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ heo sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật mang vi khuẩn.
Vi khuẩn này đi vào người qua những vết thương nhỏ, vết trầy xước trên da trong quá trình mổ heo, chế biến thịt heo, hoặc ăn tiết canh, thịt chưa chế biến kỹ. Hiện chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người và cũng chưa có vacxin phòng bệnh.
Người ăn tiết canh, thịt heo tái, chưa nấu chín kỹ dễ bị nhiễm liên cầu lợn. Ảnh: HẠ QUYÊN
Ai dễ bị nhiễm trùng liên cầu lợn?
Theo Cục an toàn thực phẩm, có 3 nhóm đối tượng dễ bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn gồm:
Những người tham gia giết mổ heo, chế biến thịt heo ốm, chết.
Thứ hai là người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung.
Thứ ba là những người ăn tiết canh và các sản phẩm từ heo không được chế biến kỹ.
Biểu hiện bệnh nhiễm trùng liên cầu lợn
Cục an toàn thực phẩm cho rằng, thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ cho đến 2-3 ngày, tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.
Bệnh cảnh phổ biến nhất của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn là viêm màng não. Biểu hiện của viêm màng não phổ biến như sau: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình … Khám có biểu hiện gáy cứng, chọc dịch não tủy có biến loạn: dịch đục, áp lực tăng, tăng bạch cầu và protein trong dịch não tủy….
Trường hợp nặng tiến triển nhanh chóng hội chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn (có thể kèm theo hoặc không kèm theo viêm màng não): trụy mạch, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh chóng.
Các biện pháp phòng, chống liên cầu lợn
Để phòng tránh các tác hại cho liên cầu lợn gây ra, người dân nên chọn mua thịt heo đã qua kiểm định của cơ quan thú y, và tránh mua thịt heo có màu đỏ khác thường hoặc có dấu hiệu xuất huyết, phù nề.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần nấu chín kỹ, không ăn lợn chết, không ăn các món tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nhất là trong thời gian có dịch.
Với những người có vết thương hở khi giết mổ hoặc tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống cần phải đeo găng tay và rửa tay cùng các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt heo.
Người dân cần giữ các dụng cụ chế biến như dao, thớt, nồi… ở những nơi sạch sẽ, dùng riêng dụng cụ khi chế biến thịt heo sống và chín.
Cục an toàn thực phẩm cũng lưu ý thêm, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người để cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng tiếp xúc gần với heo bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán thịt heo.
Bên cạnh đó, với trường hợp heo bệnh, chết, nghiêm cấm các hoạt động di chuyển và tự ý giết mổ, mà phải tiêu hủy đúng cách. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi cũng phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn, để trống chuồng hai tuần mới nuôi mới trở lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc liên cầu lợn, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, phải can thiệp thở máy, phẫu thuật cắt 2 bàn chân.