Ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?
Hầu hết các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng, đau họng, tổn thương thanh quản.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính, do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%. Gần đây, một cô gái 18 tuổi tại Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu đã cho thấy sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Ai cũng có thể mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em và một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh như:
- Người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
- Người sống trong điều kiện đông, mất vệ sinh.
- Trẻ em dưới 15 tuổi do chưa đủ miễn dịch (do không tiêm phòng vắc xin hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ số mũi tiêm theo khuyến cáo).
- Những người suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính.
(Ảnh minh họa).
Theo các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phổ bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.
Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2-5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ.
Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm:
- Đau họng (85-90%)
- Sốt nhẹ và ớn lạnh
- Mệt mỏi, suy nhược
- Đau đầu
- Viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to
- Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân
- Khàn tiếng
- Khó nuốt và nuốt đau (26-40%)
Ngoài ra bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản. Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui. Viêm cơ tim cấp tính biểu hiện bằng suy tim sung huyết, sốc, thay đổi song ST và T trên điện tim và loạn nhịp tim.
Trong số 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, có 1 trường hợp đã di chuyển ra tỉnh Bắc Giang dương tính với bạch hầu.
Nguồn: [Link nguồn]