Ai có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu?

Sự kiện: Bệnh mỡ máu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường - đây cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Theo ThS.BS Bùi Thị Hoa, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Đại học Y Hà Nội, rối loạn lipid máu (hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa mỡ máu) là tình trạng mất cân bằng một hoặc nhiều thông số lipid như cholesterol. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tim mạch và các biến chứng nguy hiểm khác.

Triệu chứng của rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu có thể diễn tiến trong một thời gian dài mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thường bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc nhập viện vì một lý do y tế khác.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Các triệu chứng của rối loạn lipid máu chỉ nhận thấy được khi lipid máu cao kéo dài gây ra biến chứng cơ quan.

Dấu hiệu của rối loạn lipid máu biểu hiện bên ngoài:

- Củng giác mạc quanh mống mắt xuất hiện màu trắng nhạt

- Ban vàng mí mắt trên hoặc dưới (Xanthelasma palpebrarum)

- U vàng gân xuất hiện ở các ngón, gân achille và khớp đốt bàn ngón tay;

- U vàng dưới màng xương xuất hiện ở củ chày trước, đầu xương mỏm khuỷu;

- U vàng da hoặc củ xuất hiện ở khuỷu và đầu gối

- Dạng ban vàng lòng bàn tay xuất hiện ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay.

Dấu hiệu của rối loạn lipid máu biểu hiện nội tạng:

- Nhiễm lipid võng mạc

- Gan nhiễm mỡ

- Viêm tụy cấp

- Xơ vữa động mạch

Biến chứng của rối loạn lipid máu:

Xơ vữa động mạch là biến chứng đáng kể nhất của rối loạn lipid máu. Xảy ra do sự lắng đọng LDL cholesterol trong thành động mạch, làm thành mạch dày lên, xơ cứng, tạo điều kiện cho tiểu cầu bám vào khởi động quá trình đông máu, tắc mạch. Hậu quả của xơ vữa động mạch vành là gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch cảnh gây đột quỵ, xơ vữa động mạch hai chi dưới gây viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân.

Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường - đây cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Vì vậy, một người được chẩn đoán rối loạn lipid máu cần được đánh giá các nguy cơ tim mạch khác để có phương pháp điều trị hiệu quả, dự phòng biến cố sức khỏe.

Ngoài ra, rối loạn lipid máu gây ra các biến chứng:

- Ban vàng mi mắt

- U vàng dưới da gân khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, gót chân, màng xương;

- Nhiễm lipid võng mạc

- Gan nhiễm mỡ;

- Viêm tụy cấp (thường do tăng triglyceride).

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu:

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu có thể do tiên phát hoặc thứ phát.

Rối loạn lipid máu tiên phát thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, gồm tăng triglycerid tiên phát và tăng lipid máu hỗn hợp. Nguyên nhân là do:

- Đột biến gene làm tăng tổng hợp quá mức cholesterol, triglyceride, LDL-C hoặc giảm thanh thải cholesterol, triglyceride, LDL-C.

- Đột biến gene làm giảm tổng hợp HDL-C hoặc tăng thanh thải HDL-C.

Nguyên nhân của rối loạn lipid máu thứ phát đến từ lối sống và các bệnh lý chuyển hóa, nội tiết, gan hoặc một số loại thuốc như:

- Yếu tố lối sống: Ít vận động, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thiếu chất xơ.

- Bệnh lý: Đái tháo đường, hội chứng Cushing, suy giáp, bệnh thận mạn tính, xơ gan.

- Một số loại thuốc: Thiazid, corticoides, estrogen, thuốc chẹn beta giao cảm.

Những người có nguy cơ bị rối loạn lipid máu:

- Người cao tuổi

- Phụ nữ sau mãn kinh

- Thừa cân béo phì

- Bệnh tiểu đường type 2

- Suy giáp

- Bệnh thận hoặc bệnh gan mạn tính

- Hội chứng chuyển hóa

- Hội chứng Cushing

- Bệnh viêm ruột

- Hút thuốc lá

- Lối sống ít vận động

- Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa

- Nghiện rượu

- Có bố hoặc mẹ bị rối loạn lipid máu.

Cách tầm soát và chẩn đoán rối loạn lipid máu:

Tầm soát rối loạn lipid máu định kỳ được khuyến cáo cho tất cả những người trưởng thành, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ. Kiểm tra rối loạn lipid máu bằng cách lấy máu xét nghiệm khi đói, tốt nhất là xét nghiệm vào buối sáng sau khi người bệnh nhịn đói qua đêm.

Để giảm lipid máu mọi người cần thay đổi lối sống là chỉ định đầu tiên để điều trị rối loạn lipid máu, mục tiêu là đưa các chỉ số lipid máu về mức bình thường. Thay đổi lối sống bao gồm:

- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

- Tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, cách tập luyện tùy theo tình trạng sức khỏe của bản thân.

- Có chế độ ăn ít ngọt, ít chất béo bão hòa, đặt biệt là mỡ và da động vật.

- Giảm cholesterol trong lòng đỏ trứng, bơ, tôm…

- Tăng cường chất xơ, vitamin từ rau củ, trái cây.

- Bổ sung chất béo tốt từ dầu thực vật, cá béo.

- Hạn chế uống rượu bia.

Có thể dự phòng rối loạn lipid máu bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện lành mạnh, chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít ngọt, ít mặn; bổ sung chất béo tốt, rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân béo phì, tăng cường tập thể dục, chơi thể thao.

- Xét nghiệm lipid máu định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần.

- Kiểm soát tốt các bệnh lý hiện có.

Khi phát hiện bị rối loạn lipid máu, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để dự phòng biến chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Nhiều người gầy nhưng có lối sống không lành mạnh, ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, lười vận động thì nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ cũng cao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Anh ([Tên nguồn])
Bệnh mỡ máu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN