9 dấu hiệu cực kỳ quan trọng để nhận biết bạn đang bị trầm cảm
Ban đầu người bệnh có thể chỉ có cảm xúc buồn bã, mệt mỏi, mất hứng thú, cảm thấy tự ti.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện qua cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.
(Ảnh minh họa).
Ước tính khoảng 300 triệu người trên toàn cầu mắc rối loạn trầm cảm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá đây là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. Thế giới ghi nhận khoảng 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm, tương đương 3.000 người mỗi ngày.
Theo Viện Sức khỏe tâm thần, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị rối loạn trầm cảm.
Trường hợp bệnh nhân L.T.S (40 tuổi) lập gia đình từ năm 19 tuổi. Chồng của bệnh nhân là người tâm lý, chăm chỉ làm ăn và hết mực thương yêu vợ. Bản thân chị S cũng là người vợ hiền lành, chăm chỉ, trầm tính. Hiện, hai vợ chồng có 2 con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, hiếu thảo với bố mẹ.
Khoảng 3 tháng gần đây, do áp lực công việc, nhiều đêm chị S phải làm thêm đến 3-4h sáng. Một thời gian sau, bệnh nhân xuất hiện buồn bã, chán nản, bi quan, không còn thiết tha với công việc. Thậm chí, bệnh nhân cũng không còn thiết tha với những sở thích cá nhân như: Đi chơi, xem phim. Thêm vào đó, bệnh nhân cảm thấy khó tập trung, ăn kém ngon miệng. Sau 1 tháng, bệnh nhân giảm 5kg cộng với hay lo lắng, suy nghĩ nhiều, không ngủ được và thường nghĩ đến việc tự tử.
Sau đó, bệnh nhân đã đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán bị trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát nhưng không có các triệu chứng loạn thần. Tại đây, bệnh nhân được dùng thuốc chống trầm cảm phối hợp với trị liệu tâm lý. Sau 15 ngày, tình trạng bệnh đã cải thiện nhiều.
9 dấu hiệu quan trọng để nhận biết bị rối loạn trầm cảm, đó là:
- Khí sắc giảm;
- Mất hứng thú hoặc sở thích trong cuộc sống;
- Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Rối loạn hoạt động tâm thần vận động;
- Giảm sút năng lượng;
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi;
- Khó suy nghĩ và tập trung hoặc đưa ra quyết định.
- Ngoài ra, dấu hiệu cuối cùng là bệnh nhân còn có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát.
Các bác sĩ cho rằng, đây là bệnh lý có diễn biến phức tạp. Ban đầu người bệnh có thể chỉ có cảm xúc buồn bã, mệt mỏi, mất hứng thú, cảm thấy tự ti... Nhưng sau một thời gian, người bệnh dần rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng, thấy bản thân kém cỏi, có lỗi với gia đình. Người bệnh sẽ cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và nghĩ đến cái chết, cho rằng chỉ có chết đi mới thoát khỏi những khổ đau ở hiện tại.
Người ta thường nghe đến bệnh “trầm cảm“ chứ gần như chưa từng nghe về bệnh “trầm cảm cười“. Tuy nhiên, đó là căn bệnh có thực mà Diệp Lâm Anh là người mắc phải.
Nguồn: [Link nguồn]