8 thói quen tưởng lành mạnh đang hủy hoại cơ thể
Các chuyên gia chỉ ra rằng việc thải độc cơ thể bằng nước ép, loại hoàn toàn đường hoặc tinh bột, bỏ bữa sáng... là những thói quen tưởng tốt nhưng có hại cho cơ thể.
1. Tập luyện quá sức mỗi ngày
Không ai nghi ngờ tầm quan trọng của việc tập thể dục thường xuyên. Theo Mayo Clinic, vận động cơ thể có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp duy trì cân nặng hợp lý, cải thiện tâm trạng và cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn. Nhưng các chuyên gia cho biết bạn cần khoảng nghỉ trong tuần, thay vì đổ mồ hôi tập luyện mỗi ngày.
"Cái gì quá nhiều cũng hoàn toàn không tốt", bác sĩ gia đình Laura Purdy chia sẻ với Best Life. "Chấn thương do sử dụng quá mức và tập luyện quá sức rất phổ biến. Những thứ như viêm gân, căng cơ, gãy xương do căng thẳng và thậm chí chỉ là mệt mỏi, kiệt sức có thể xảy ra khi chúng ta đẩy cơ thể đi quá xa hoặc hơn mức có thể chịu được".
Do đó, điều rất quan trọng là bạn nên tập thể dục ở mức độ vừa phải, khi được bác sĩ cho phép và biết rằng các hoạt động đó an toàn.
2. Cắt bỏ hoàn toàn đường
Đường có hại cho sức khỏe, đặc biệt là đường tinh luyện trong nhiều loại thực phẩm chế biến, đồ nướng và các loại đồ ăn vặt khác. "Lượng đường tinh luyện hấp thụ có liên quan đến các tình trạng như béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim", Healthline cho biết.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị nên "hạn chế lượng đường bổ sung không quá 6% lượng calo mỗi ngày", tức không quá 100 calo (khoảng 6 thìa cà phê) với nữ giới và 150 calo (9 thìa cà phê) với nam giới.
Tuy nhiên, AHA không phân biệt giữa các loại đường. "Cơ thể không biết lượng đường trong chế độ ăn của bạn đến từ đường tinh luyện, hoa quả, mật ong hay mật hoa. Nó chỉ nhận thấy các phân tử đường monosaccharide mà thôi", chuyên gia dinh dưỡng Amy Goodson nói với Healthline.
Vì lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều người đã quyết định cắt bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ dinh dưỡng, bao gồm cả đường tinh luyện hay đường tự nhiên trong thực phẩm. Tuy nhiên, Keri Gans, chuyên gia dinh dưỡng và là tác giả của The Small Change Diet, cho biết: "Đường tự nhiên trong trái cây tươi có lợi ích về mặt dinh dưỡng và nên là một phần trong chế độ ăn hàng ngày của bạn",
3. Cắt bỏ tất cả tinh bột
Tương tự, cắt bỏ tất cả loại tinh bột để giảm cân không phải là lựa chọn lành mạnh. "Carbs không phải là kẻ thù và chúng ta cần ngừng coi chúng như vậy", Gans nói. "Trên thực tế, chúng là nguồn năng lượng ưa thích của cơ thể, đặc biệt là não. Bạn càng tránh carbs, bạn càng thèm chúng hơn".
Thay vào đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị nên chọn các loại carbs phức hợp, như bánh mì nguyên cám, hạt diêm mạch, khoai lang, đậu và đậu lăng, do chúng chứa nhiều chất xơ lành mạnh và không gây tăng đột biến lượng đường trong máu như carbs đơn giản và tinh chế.
4. Thư giãn với một ly rượu vang
Uống một ly rượu vang đỏ để thư giãn vào cuối ngày có thể không tốt cho tim. Một nghiên cứu vào tháng 11/2022 được công bố trên JAMA Network Open phát hiện ra rằng uống bất kỳ lượng rượu nào cũng có hại cho sức khỏe.
Tiến sĩ Marissa Esser, tác giả chính của nghiên cứu, nói với tờ The New York Times rằng ngay cả khi bạn tuân theo các hướng dẫn về việc tiêu thụ rượu an toàn, "vẫn có những rủi ro ngay cả trong những mức độ này, đặc biệt đối với một số loại ung thư và một số dạng bệnh tim mạch".
Có quá nhiều bằng chứng về hậu quả tiêu cực của rượu đến nỗi vào tháng 1 vừa qua, Tổng giám đốc Y khoa Mỹ Vivek Murthy đã công bố một báo cáo, kêu gọi cảnh báo ung thư trên đồ uống có cồn. Ông nêu chi tiết những phát hiện rằng việc uống rượu "làm tăng nguy cơ mắc ít nhất 7 loại ung thư, bao gồm ung thư vú (ở phụ nữ), trực tràng, thực quản, thanh quản, gan, miệng và họng".
5. Bỏ bữa sáng
Nhịn ăn gián đoạn (Intermitten Fasting) là một trong những xu hướng sức khỏe phổ biến nhất hiện nay, được ca ngợi là giúp mọi người giảm cân, hạ lượng đường trong máu và giảm viêm. Nhưng bỏ bữa, đặc biệt bữa sáng, có thể không phải lúc nào cũng là lựa chọn lành mạnh như chúng ta nghĩ.
Trista Best, chuyên gia dinh dưỡng tại Balance One Supplements, từng giải thích với Best Life: "Bỏ bữa sáng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn vì nó dẫn đến giảm lượng đường trong máu, kích hoạt giải phóng hormone báo hiệu cơ thể tìm kiếm thức ăn, thường dẫn đến thèm đồ ăn có đường hoặc nhiều calo", cô nói. "Ngoài ra, bỏ bữa sáng có thể dẫn đến ăn quá nhiều vào cuối ngày khi cơn đói tăng, góp phần tăng cân theo thời gian".
Bỏ bữa sáng cũng có thể khiến mức năng lượng giảm, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
6. Thường xuyên ngủ nướng vào cuối tuần
Theo Sleep Foundation, hầu hết người lớn cần ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tốt nhất. Nhiều người ngủ không đủ thường tranh thủ ngủ bù vào cuối tuần, nhưng chuyên gia cho biết thói quen này không tốt cho cơ thể.
"Thực ra, cơ thể chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn nếu có một lịch trình nhất quán", Purdy giải thích. "Bộ não, cơ thể, hệ thống và hormone hoạt động tốt nhất khi chúng ta cho chúng một chu kỳ rất dễ đoán về thời gian thức - ngủ phù hợp. Nếu bạn có một tuần đặc biệt mệt mỏi, bị ốm hoặc đang du lịch, bạn có thể thỉnh thoảng cần ngủ nướng. Nhưng việc hình thành thói quen ngủ không đều đặn thực sự có thể gây hại nhiều hơn có lợi".
7. Thanh lọc cơ thể bằng nước ép
Khi muốn giảm cân nhanh hoặc tối ưu hóa mức năng lượng trong mùa đông, bạn có thể nghĩ chế độ thanh lọc cơ thể bằng nước ép là giải pháp phù hợp. Nhưng một nghiên cứu vào tháng 1 được công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy việc chỉ uống nước ép thanh lọc cơ thể trong ba ngày có thể phá vỡ nghiêm trọng vi khuẩn có lợi và "làm thay đổi nhanh chóng hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt trong miệng.
8. Uống kombucha
Nhiều người uống kombucha để cải thiện sức khỏe đường ruột. Nhưng loại đồ uống có ga này có thể bổ sung calo không cần thiết và calo rỗng vào chế độ ăn hàng ngày do chúng chứa đường.
"Đồ uống có đường là nguồn cung cấp đường bổ sung hàng đầu trong chế độ ăn uống của người Mỹ", CDC cảnh báo, cho biết chúng bao gồm cả kombucha mua ở cửa hàng. Mỗi chai kombucha thường chứa trung bình 20-24 gam đường.
CDC nói rõ: "Thường xuyên tiêu thụ đồ uống chứa đường có liên quan đến tình trạng tăng cân, béo phì, tiểu đường loại 2, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan không do rượu, sâu răng và bệnh gout".
Gan là cơ quan quan trọng bậc nhất, nhưng cũng dễ bị tổn thương nếu không có chế độ ăn uống hợp lý.
Nguồn: [Link nguồn]
-19/02/2025 14:15 PM (GMT+7)