8 thói quen gây hại não khủng khiếp, chuyên gia khuyên nên từ bỏ ngay
Nhiều người đang mắc phải những thói quen và lối sống không lành mạnh gây hại cho não bộ, một số thói quen thậm chí liên quan đến chứng sa sút trí tuệ.
Bộ não là một trong những trung tâm điều khiển toàn bộ cơ thể, nó phụ trách hoạt động của hệ thần kinh. Cũng như các bộ phận khác, não cũng bị lão hóa theo thời gian. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học, sự thay đổi của đời sống xã hội, con người ngày càng có nhiều thói quen, lối sống đẩy nhanh quá trình lão hóa đó, thậm chí còn gây ảnh hưởng, tác động xấu đến não. Dưới đây là những thói quen gây hại cho bộ não mà nhiều người mắc phải.
Không ăn sáng
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đều đồng tình rằng "bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày" - điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học. Như trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học thần kinh ở người, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của bữa sáng lên các đối tượng là học sinh. Kết quả cho thấy, ăn sáng ảnh hưởng tới kết quả học tập của các em, những em ăn sáng đầy đủ có kết quả học tập tốt hơn, đặc biệt là trong môn Toán. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng, ăn sáng thường xuyên tác động tích cực đến sự tập trung và làm tinh thần minh mẫn.
Một nghiên cứu kéo dài 15 năm tại Nhật Bản với hơn 80.000 người tình nguyện không có tiền sử mắc bệnh tim hoặc ung thư còn đưa ra kết luận, thói quen bỏ qua bữa sáng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và cao huyết áp.
Không giao tiếp xã hội
Thiếu tiếp xúc xã hội có thể dẫn đến các bệnh như trầm cảm, gia tăng cảm giác cô đơn, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.
Thiếu tiếp xúc xã hội có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ. Ảnh minh họa.
Các nhà khoa học Samia Akhter-Khan và Qiushan Tao tại Trường Y Harvard, Mỹ đã nghiên cứu não của những người trưởng thành khỏe mạnh. Kết quả công bố tháng 3/2021 cho thấy, những người cô đơn có mức amyloid trong vỏ não cao gấp 7,5 lần người bình thường. Amyloid là một dấu hiệu được sử dụng để chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu khác của Cao đẳng King London, Anh, cũng cho thấy những người đơn độc dễ mệt mỏi và khó tập trung hơn 24% so với người bình thường.
Stress kéo dài
Stress kéo dài ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, gây kiệt quệ tinh thần, dễ lo âu, nóng giận và “sương mù não” - tình trạng não bộ không thể tập trung và suy nghĩ rõ ràng.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ cũng có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. "Số lượng và chất lượng giấc ngủ có những tác động lớn đến suy nghĩ, trí nhớ và tâm trạng hàng ngày của chúng ta, cũng như nguy cơ suy giảm nhận thức lâu dài", Tiến sĩ Scott Kaiser, Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương, nói.
Hiệp hội Alzheimer cho biết các vấn đề như khó đi vào giấc ngủ, khó ngủ hoặc chỉ chợp mắt có liên quan đến nhiều dạng sa sút trí tuệ. Có thể là do không được nghỉ ngơi đầy đủ khiến lượng amyloid trong não nhiều hơn. Vì thế các chuyên gia đưa ra lời khuyên, người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm để đảm bảo sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe của não.
Trùm kín đầu khi ngủ
Ngủ với tư thế trùm kín đầu có thể gây đau đầu, mệt mỏi, thậm chí gây suy giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Ảnh minh họa.
Ngủ với tư thế trùm kín đầu đồng nghĩa với việc bạn hít lại không khí đang thở ra và khiến các tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy kéo dài. Thói quen này nhẹ thì gây đau đầu, mệt mỏi còn nặng thì suy giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Lười vận động
Lối sống lười vận động không chỉ khiến bạn dễ có vòng eo bánh mỳ mà còn có thể làm bộ não của bạn teo nhỏ lại. Kết luận trên được rút ra sau khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Boston (Mỹ) tiến hành theo dõi tình trạng sức khỏe và bộ não của hơn 1.200 người trưởng thành trong suốt 2 thập niên.
Trong khi đó một nghiên cứu tại Đại học British Columbia, Canada cho thấy tập thể dục nhịp điệu thường xuyên giúp tăng kích thước của hồi hải mã - vùng não liên quan đến khả năng học tập và ghi nhớ của con người. Tương tự, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland, Australia phát hiện việc tập luyện thể dục cường độ cao giúp máu lưu thông đến não. Do đó tích cực vận động là một trong nhiều mẹo được các chuyên gia khuyến khích để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ.
Ăn nhiều đường
Chế độ ăn nhiều đường gây hại cho sức khỏe tổng thể, gây béo phì, nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2 và đặc biệt gây hại cho não của bạn.
Ăn nhiều đường là một trong những thói quen gây hại cho não bộ. Ảnh minh họa.
Nghiên cứu của 2 nhà khoa học từ Đại học New South Wales phát hiện ra rằng ở những con chuột còn nhỏ khi ăn quá nhiều đường dẫn đến những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của não khiến chúng dễ bị căng thẳng hoặc trở nên nghiện loại đồ ăn này. Điều này có thể xảy ra tương tự với trẻ em và những thanh thiếu niên. Một chế độ ăn nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến não, làm cho trẻ dễ bị kích thích, bị tăng động, giảm chú ý, có những hành vi kích động.
Vì thế hãy hạn chế các đồ ăn như nước ngọt, bánh kẹo, bánh ngọt,... thay vào đó ăn nhiều các thực phẩm có ích cho não, ví dụ như cá hồi (chứa omega -3), chocolate đen, quả mọng (mâm xôi, việt quất, dâu tây, nho), các loại hạt, trứng...
Nghe nhạc lớn
Thường xuyên nghe nhạc với âm lượng lớn có thể gây hại cho màng nhĩ, đặc biệt nếu bạn đeo tai nghe. Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, việc mất thính giác còn có liên quan đến chứng mất trí. "Hình ảnh quét não cho chúng ta thấy rằng mất thính lực có thể góp phần làm cho tốc độ teo não nhanh hơn", Tiến sĩ Frank Lin, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Mất thính lực cũng khiến bạn có xu hướng không thích nơi đông người, không thích nói chuyện - những yếu tố có thể góp phần vào chứng sa sút trí tuệ.
Những loại gia vị này “nhẵn mặt” trong căn bếp của phần lớn các gia đình, nó có thể âm thầm phá hủy mạch máu của...
Nguồn: [Link nguồn]