8 lưu ý trong ăn uống để phòng ngừa sỏi thận tái phát
Các chuyên gia cho biết, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp ngừa nguy cơ tái phát sỏi thận cũng như nguy cơ hình thành sỏi thận.
Theo TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E, thực tế lâm sàng cho thấy có những bệnh nhân sỏi hình thành rất nhanh, dễ xuất hiện trở lại mặc dù đã từng được can thiệp lấy sỏi triệt để do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Trong đó, chế độ ăn uống không hợp lý liên quan đến hình thành sỏi tiết niệu. Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ bài tiết canxi quá mức. Protein động vật là nguyên nhân làm tăng canxi, oxalat và acid uric niệu, tất cả các yếu tố này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi...
Do đó, những người đã mắc sỏi thận và người có nguy cơ mắc sỏi thận cần lưu ý các nguyên tắc ăn uống dưới đây để phòng ngừa nguy cơ tái phát hoặc hình thành sỏi.
1. Uống nhiều nước rất quan trọng
Bác sĩ chuyên khoa thận học Sean Hashmi, tại Kaiser Permanente ở Nam California cho biết, bước quan trọng nhất nên làm để ngăn ngừa sỏi thận là uống nhiều nước hơn. Uống đủ nước không chỉ có nghĩa là đi tiểu thường xuyên hơn mà còn có nghĩa là nước tiểu ít cô đặc hơn với các khoáng chất gây sỏi. Càng đi tiểu nhiều, khả năng các chất cặn bã này lắng đọng và liên kết với nhau tạo thành sỏi thận càng giảm.
Các chuyên gia cũng cho biết, lượng chất lỏng cần thiết để giúp ngăn ngừa sỏi thận khác nhau ở mỗi người. Ví dụ, một số người đổ mồ hôi nhiều hơn những người khác và cần uống nhiều hơn. Một dấu hiệu hữu ích đánh giá một người đang uống đủ nước là màu sắc của nước tiểu. Nếu nó có màu vàng đậm, có thể do uống không đủ.
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp bạn tránh bị sỏi.
2. Những gì bạn ăn cũng ảnh hưởng đến khả năng bị sỏi thận
Tiến sĩ Hashmi cho biết, nếu một người đã từng bị sỏi thận trong quá khứ, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống nhất định tùy thuộc vào loại sỏi. Nếu một người chưa từng bị sỏi thận trước đây, việc ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp người đó tránh nguy cơ bị sỏi trong tương lai.
Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn uống mà các bác sĩ thường đề xuất:
2.1 Hạn chế ăn mặn
Chế độ ăn giàu natri có thể gây ra sỏi thận do làm tăng lượng canxi trong nước tiểu. Thật vậy, nồng độ canxi trong nước tiểu cao là nguyên nhân gây ra hầu hết các loại sỏi thận. Natri cũng có thể gây ra mức độ cao của axit amin cystine trong nước tiểu, dẫn đến sỏi cystine.
Nếu natri là nguyên nhân gây ra sỏi thận trước đây, hãy thử giảm lượng natri tiêu thụ hàng ngày xuống không quá 1.500 miligam (mg). Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi trở lại mà còn có thể tốt cho sức khỏe tim mạch. Cũng nên cân nhắc tránh thực phẩm chế biến sẵn và hạn chế tần suất ăn ngoài để tránh muối.
Ngay cả khi chưa từng bị sỏi thận, các hướng dẫn hiện hành cho thấy hạn chế natri ở mức 2.300 mg mỗi ngày hoặc ít hơn.
Ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ tái phát sỏi thận.
2.2 Giảm lượng đường tiêu thụ
Thực phẩm và đồ uống có nhiều đường tự nhiên và thêm đường có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Khi tiêu thụ đường, lượng canxi trong nước tiểu sẽ tăng lên và lượng nước tiểu giảm xuống, góp phần gây ra sỏi thận.
2.3 Ăn hợp lý thực phẩm giàu canxi
Mặc dù lượng canxi cao trong nước tiểu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, nhưng điều này không có nghĩa là nên tránh hoàn toàn các loại thực phẩm giàu canxi. Nếu băn khoăn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng canxi cơ thể cần mỗi ngày. Tốt nhất hãy cố gắng bổ sung canxi từ thực phẩm thay vì bổ sung bằng thực phẩm chức năng.
2.4 Hạn chế chất đạm
Hạn chế tiêu thụ protein động vật, chẳng hạn như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá và trứng. Những thực phẩm này chứa nhiều protein, quá nhiều protein có thể dẫn đến sỏi thận do axit uric. Dư thừa protein cũng có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và giảm lượng citrate, một dạng axit citric hoạt động như một chất ức chế sỏi. Theo TS. BS Nguyễn Minh Tuấn, protein làm tăng và làm giảm pH nước tiểu dẫn đến hình thành sỏi acid uric.
Nếu không chắc mình cần bao nhiêu protein, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo lượng tiêu thụ của mình đang đúng hướng. Chú ý không quá hạn chế, vì protein vẫn là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh.
2.5 Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu là rất quan trọng đối với những người mắc bất kỳ dạng sỏi thận nào. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh giúp cơ thể nhận được đủ kali, magiê và citrate, đây là tất cả các chất dinh dưỡng có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận.
2.6 Cắt giảm cola
Cola có chứa hợp chất hóa học phosphate, có thể góp phần gây ra sỏi thận. Cụ thể, phốt phát có thể liên kết với canxi trong nước tiểu, tạo thành sỏi phốt phát canxi. Ngoài ra, cola chứa đường hoặc sirô ngô có hàm lượng fructose cao , cũng có thể góp phần tạo sỏi. Nói chung, đồ uống có ga là một yếu tố nguy cơ hình thành sỏi, vì vậy giảm tiêu thụ chúng có thể hữu ích.
Nếu bạn đã bị sỏi canxi-oxalat, bạn có thể muốn hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều oxalat.
2.7 Cân nhắc hạn chế thực phẩm giàu oxalat
Với người đã bị sỏi canxi-oxalat, nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều oxalat như đậu, quả mọng, các loại hạt, đậu nành, khoai lang, cám lúa mì và các loại rau có màu xanh đậm như rau bina. Đây đều là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, do đó người bệnh nên hỏi bác sĩ để xác định xem mình có nên cắt giảm hay không.
Ngoài việc thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, chúng ta cần quản lý được tình trạng sức khỏe của mình, nhất là những người có bệnh lý như béo phì, tăng huyết áp và đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Các bệnh nội tiết như cường cận giáp, hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), có thể làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, góp phần gây ra sỏi thận.
Ngoài ra, bệnh gout có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, do đó có thể gây ra sỏi axit uric. Điều trị thích hợp các bệnh như vậy và kiểm soát các vấn đề mạn tính này có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận phát triển.
Nguồn: [Link nguồn]
Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp ở đường tiết niệu, chiếm tỷ lệ lớn nhất khoảng 48%. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó có một số thói quen xấu.