7 thói quen không tốt của trẻ cần phải sửa ngay hôm nay
Mút tay, ngoáy mũi hay kén ăn không chỉ là phiền toái, mà về lâu dài sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé. Dưới đây, các chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất để các bậc phụ huynh khắc phục những thói quen xấu của trẻ.
Quá phụ thuộc vào bình sữa
Giai đoạn chuyển từ bú bình sang sử dụng cốc tập uống là một trong những điều khó khăn nhất đối với bé. Hơn nữa, việc uống quá nhiều sữa có thể khiến bé bỏ bữa và bỏ qua các thực phẩm giàu canxi như rau xanh, sữa chua, phô mai, thậm chí có thể dẫn tới thiếu sắt. Việc cho bé bú bình trong khi ngủ cũng có thể dẫn đến sún và sâu răng.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo bé nên được chuyển sang dùng cốc tập uống khi được 15 tháng tuổi, nhưng các chuyên gia nói rằng thời gian bắt đầu làm quen với cốc tập uống tốt nhất là từ 6 tháng tuổi.
Một khi bé đã có thể làm chủ cốc tập uống và bạn cho rằng bé đã sẵn sàng, hãy chuyển sang sử dụng một chiếc cốc không có nắp.
Mút tay
Việc trẻ em mút tay là rất phổ biến. Nhưng tùy thuộc vào cường độ và thời gian kéo dài, việc đó có thể ảnh hưởng tới cách hàm của bé phát triển. Việc mút tay ấn lưỡi lên vòm miệng, ảnh hưởng đến sự phát triển hàm trên, và có thể gây ra móm hoặc vẩu.
Tin tốt là hầu hết các bé đều sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu chấm dứt thói quen này sớm. Tuy nhiên, bạn nên đưa bé đi khám nha sĩ thường cuyên từ khi bé 1 tuổi, hoặc khi mọc chiếc răng đầu tiên, để có thể kịp thời can thiệp.
Bạn có thể khiến bé ngừng mút tay bằng cách bôi lên tay những thứ có vị đắng, hoặc đeo găng tay cho bé. Đôi khi, khen ngợi bé khi không mút ngón tay cũng khiến bé chủ động trong việc loại bỏ thói quen xấu này.
Kén ăn
Nếu bé rất ghét rau, không chịu thử những gì mới lạ mà chỉ ăn một số loại thực phẩm, điều đó không chỉ khiến việc phát triển của bé bị kìm hãm, mà còn khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.
Bước đầu tiên, bạn phải nhận ra rằng bé không phải một thách thức, mà bản thân bé cũng có chướng ngại về tâm lý, và bé cần bạn hướng dẫn để có một sức khỏe tốt, và trở thành một “nhà thám hiểm” đối với các loại thực phẩm.
Sau đó, hãy để bé tiếp xúc với thực phẩm từ từ từng chút một, cung cấp cho bé các kiến thức để bé cảm thấy an toàn, và cho bé quyền có thể chấp nhận ăn chúng hay không. Thay vì hỏi rằng “Con có thích không?”, hãy hỏi bé về màu sắc, hình dáng, mùi... để bé làm quen dần dần.
Ngoáy mũi
Bé thường ngoáy mũi khi cảm thấy chúng bị tắc, nhất là khi bị cảm lạnh, nghẹt mũi hay dị ứng. Ban đầu nó có thể chỉ khó coi, nhưng sau một hời gian, nó có thể khó xử lý hơn nếu dẫn đến chảy máu cam.
Hãy giúp bé về sinh mũi thường xuyên, và nhắc nhở bé không được ngoáy mũi nữa. Nếu bé bị cảm hay nghẹt mũi, một chút nước muối sinh lý có thể làm thông sạch đường thở và giữ ẩm niêm mạc cho bé.
Nghiến răng
Khoảng 14-20% trẻ em mắc một chứng rối loạn gọi là bệnh nghiến răng. Bé thường nghiến răng vào ban đêm, nhưng cũng có khi là vào ban ngày, thường là khi đang mọc răng, hoặc khi bé cảm thấy căng thẳng và lo lắng.
Trên thực tế, các bé mầm non nghiến răng thường là do bị xa lánh hay có vấn đề ở trường. Những bé có amidan lớn hoặc bị tắc nghẽn đường thở khi ngủ cũng thường mắc thói quen này.
Tin tốt là rất ít trường hợp chứng bệnh này trở nên trầm trọng và cần phải điều trị. Nếu bé có dấu hiệu bị nghẽn đường thở khi ngủ, bạn cần đưa bé đến bác sĩ khám để có hướng điều trị. Nếu việc nghiến răng làm ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn của bé, bạn nên cho bé dùng miếng bảo vệ răng.
Ăn vặt cả ngày
Cho bé ăn bất cứ khi nào bé đòi sẽ dạy cho bé suy nghĩ rằng việc bị đói tạm thời luôn cần được dập tắt nhanh chóng bằng bánh kẹo, bim bim và bé sẽ không ăn bữa chính nữa bởi bé không đói. Điều đó sẽ càng đẩy xa bé khỏi những thực phẩm lành mạnh mà bạn muốn bé ăn.
Thay vì cho phép bé ăn vặt cả ngày, hãy đưa ra một thời gian biểu bữa chính và bữa phụ cụ thể. Trong bữa phụ, cho bé ăn các loại trái cây và rau quả.
Sử dụng ti giả trong thời gian dài
Ti giả giúp bé được xoa dịu, nhưng đó cũng là nơi vi trùng sinh sản khi bé nhả ra và chẳng may làm rơi. Sử dụng ti giả một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, dẫn đến các vấn đề về răng miệng, và có thể ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của bé.
Mặc dù dừng ngậm ti giả dễ hơn việc ngưng mút tay rất nhiều, vì đó là một vật thể tách biệt có thể đem cất, nhưng bé cũng sẽ rất khó khăn để vượt qua giai đoạn này. Khi bé bắt đầu tập đi là thời điểm thích hợp để hạn chế dần việc ngậm ti giả khi ngủ của bé, và giới hạn thời gian bé được sử dụng nó.
Khi bạn cảm thấy bé đã sẵn sàng, hãy rủ bé cùng cất ti giả vào hộp và tặng nó cho một em bé khác. Bé sẽ cảm thấy như mình vừa làm một điều gì đó thật đặc biệt, và bé sẽ không đòi nữa vì cảm thấy em bé nhỏ hơn đang cần sử dụng nó.