7 sai lầm khi xử trí đột quỵ

Sự kiện: Đột quỵ
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cạo gió, châm kim vào đầu ngón tay, tự ý sử dụng các thuốc đông y, chờ bệnh nhân ổn mới đưa đi viện... là những sai lầm phổ biến khi xử trí đột quỵ.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương 108, cho biết số lượng người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Tại khoa Can thiệp mạch thần kinh, số bệnh nhân trẻ chiếm khoảng 20-30% (dưới 50 tuổi). Có những bệnh nhân 12 tuổi nhập viện vì đột quỵ do dị dạng mạch máu não.

Hiện có rất nhiều quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại vô cùng nặng nề, thậm chí tử vong.

Dưới đây là những sai lầm phổ biến, theo bác sĩ Cường.

Cạo gió khi bị đột quỵ

Người bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu... Những biểu hiện này khiến nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ, chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.

Châm kim vào đầu tay

Đây là "mẹo" được nhiều người dùng khi ai đó bị đột quỵ. Tuy nhiên châm vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau khi châm sẽ làm tăng huyết áp của bệnh nhân.

Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y

Thông thường nhà có người thân tiền sử cao huyết áp hoặc bị đột quỵ, gia đình luôn chuẩn bị sẵn một vài viên thuốc đông y đắt tiền để phòng và sử dụng khi cần. Tuy nhiên, người đột quỵ não uống loại thuốc này không đúng sẽ không có tác dụng, thậm chí có hại. Chính việc cho uống thuốc và nghĩ uống thuốc tốt sẽ khỏi bệnh dẫn đến tâm lý chủ quan, không đưa người bệnh đi viện sớm, làm mất cơ hội điều trị tốt nhất.

Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện

Trường hợp đột quỵ não nặng, hôn mê ngay, người nhà cần phải đưa đi viện sớm. Tuy nhiên, đa số mọi người có tâm lý sợ đưa đi khiến tử vong nhanh hơn và chờ bệnh nhân ổn định mới đưa tới viện. Đây là sai lầm nghiêm trọng, khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị kịp thời.

Truyền bá sai về điều trị đột quỵ

Hai vấn đề hay gặp nhất là "thực dưỡng đánh bay đột quỵ" và "tập luyện theo môn phái" để điều trị đột quỵ. Bác sĩ từng tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị thì bỏ thuốc, tập theo môn phái mới. Sau ngừng thuốc một tuần, bệnh nhân ngã quỵ, phải tái nhập viện điều trị.

Nhầm lẫn với bệnh khác

Đột quỵ não nhẹ có những triệu chứng giống với liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (phong hàn) nên nhiều người điều trị chưa đúng. Do vậy, khi có các triệu chứng như méo mặt, khó nói, ăn rơi vãi, cần đến viện gấp để bác sĩ khám và tìm nguyên nhân chính xác.

Chủ quan đợi tự hồi phục

Đây là sai lầm thường gặp ở những người bị đột quỵ nhẹ như có cơn chóng mặt, đau đầu hoặc tê bì chân tay, mệt mỏi nhưng chủ quan, "vào giường nằm ngủ chờ khỏe lại". Đa số trường hợp này đều rất nặng, đến viện mất cơ hội điều trị trong giờ vàng.

Những sai lầm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nga ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN