7 dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có mức độ tử vong cao nhưng nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tăng đáng kể.
Ung thư đại tràng là loại một khối u ác tính ở đường tiêu hóa, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của nó trong số các khối u ác tính của hệ tiêu hóa chỉ đứng sau ung thư dạ dày, ung thư thực quản và ung thư gan nguyên phát.
Dù là ung thư nào đi chăng nữa, nếu may mắn phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, cùng với việc tích cực điều trị, tỷ lệ chữa khỏi dứt điểm và kéo dài thời gian sống sẽ tăng lên.
Ung thư đại tràng giai đoạn I là khi các tế bào ung thư đã phát triển xuyên qua các lớp của thành ruột, nhưng chưa lan ra bên ngoài hoặc xâm lấn vào các hạch bạch huyết gần đó.
Những dấu hiệu của ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Ung thư đại tràng phát triển chậm, thời gian ủ bệnh dài, 93% các trường hợp bắt nguồn từ u tuyến (tổn thương tiền ung thư), từ u tuyến tới ung thư mất từ 5 đến 7 năm, các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, nếu được sàng lọc và phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao.
Mặc dù ung thư đại tràng có thể phòng ngừa và chữa khỏi nhưng trên thực tế, phần lớn bệnh nhân khi được phát hiện đã ở giai đoạn giữa và cuối. Hiện tại, các chuyên gia tin rằng, nguyên nhân gây bệnh có sự tác động kết hợp giữa yếu tố về chế độ ăn uống và di truyền.
Trong giai đoạn đầu của ung thư đại tràng thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có cảm giác khó chịu ở bụng, khó tiêu, máu trong phân… Nếu nhận thấy có những dấu hiệu dưới đây, bạn nên đi bệnh viện khám sớm:
1. Máu trong phân
Triệu chứng ban đầu của ung thư đại tràng là đi ngoài có máu và mủ. Ban đầu, lượng máu ít không dễ phát hiện, nhưng khi lượng máu trong phân tăng dần, phân có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, có thể bị nhầm lẫn thành bệnh kiết lỵ hoặc trĩ. Nếu uống thuốc không cải thiện, cần cảnh giác và nên tới bệnh viện nội soi.
2. Tăng tần suất đại tiện
Tăng tần suất đại tiện cũng là triệu chứng ban đầu của ung thư đại tràng, đỉnh điểm một ngày người bệnh có thể muốn đi đại tiện tới 8 – 9 lần. Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường có cảm giác muốn đại tiện nhưng không có cách nào để đi bình thường, lượng phân rất ít. Một số bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như tiêu chảy và táo bón xen kẽ, đôi khi sẽ đi đại tiện không ngừng.
3. Xì hơi quá nhiều
Sau khi mắc ung thư đại tràng, hệ vi khuẩn trong đường ruột bị mất cân bằng, phần lớn khí thải ra đều có mùi rất hôi. Nếu tần suất xì hơi vượt quá 20 lần/ngày, bạn cần tới bệnh viện khám. Đây là dấu hiệu rất bất thường, phải tiến hành nội soi kịp thời.
4. Đau bụng
Khối u trong ruột sẽ tiếp tục phát triển, gây viêm loét, nhiễm trùng, lúc này người bệnh sẽ có những triệu chứng như đau bụng, khó chịu ở vùng bụng, kèm theo đó xuất hiện các cơn đau quặn bụng, dai dẳng hoặc bộc phát đột ngột.
5. Đau hậu môn
Ung thư đại tràng cũng có thể có triệu chứng đau hậu môn. Biểu mô niêm mạc ở vùng hậu môn rất nhạy cảm, khi cơ quan trong khoang chậu hoặc gần hậu môn bị tổn thương (đại tràng), nó sẽ tạo áp lực, viêm nhiễm, rối loạn chuyển hóa, khiến các thụ thể ở hậu môn bị kích thích. Từ đó, các phản xạ bất thường sẽ hình thành, khiến người bệnh có các triệu chứng như hậu môn sưng tấy, đau nhức, cảm giác như có dị vật bên trong.
Ung thư đại tràng còn có thể gây ra các triệu chứng bất thường khác ở những cơ quan lân cận hậu môn.
6. Mệt mỏi, suy nhược
Đây là triệu chứng phổ biến nhưng lại bị bỏ qua nhiều nhất. Ung thư đại tràng có liên quan tới việc mất máu do máu chảy nhiều trong phân. Vì thế, người bệnh sẽ cảm thấy kiệt sức dù nghỉ ngơi nhiều. Họ có xu hướng suy nhược cơ thể rất nhanh mà không rõ nguyên nhân.
7. Sụt cân nhanh
Trong giai đoạn đầu, nếu người bệnh không ăn kiêng giảm cân hay do tập luyện mà cơ thể đột ngột sụt cân nhanh thì cần phải cẩn trọng. Đây có thể là một trong những dấu hiệu của các loại ung thư đường tiêu hóa, cần kết hợp thêm với các triệu chứng khác để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Làm gì để phòng ngừa ung thư đại tràng?
- Chế độ ăn uống cân bằng
Bạn có thể phòng ngừa ung thư đại tràng bằng những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hằng ngày. Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây, rau quả.
Ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Vì thế, bạn cần hạn chế tiêu thụ thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, giảm ăn các loại thịt chứa nhiều muối như giăm bông, xúc xích, thịt hun khói.
- Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, cơ bắp, xương và giảm nguy cơ ung thư. Bạn có thể chọn những bài tập có cường độ vừa phải như khiêu vũ, ném bóng, đi bộ, đạp xe (tối thiểu 150 phút mỗi tuần) hoặc hoạt động thể chất mạnh mẽ như chạy đua, nhảy dây, thể dục nhịp điệu, bóng đá, bóng rổ (tối thiểu 75 phút mỗi tuần).
Việc tập thể dục không chỉ giúp phòng tránh ung thư đại tràng mà còn nhiều căn bệnh khác.
- Tránh uống bia rượu và hút thuốc
Nếu lạm dụng bia rượu và thuốc lá, nó không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng mà còn nhiều loại ung thư khác ở những cơ quan như phổi, thực quản và hàng loạt các bệnh về đường tiêu hóa. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe, bạn cần hạn chế hoặc tránh xa những chất gây hại này.
Ah Quing (Trung Quốc) 25 tuổi, nửa năm trước bắt đầu bị đau bụng âm ỉ, triệu chứng xảy ra thỉnh thoảng chứ không thường xuyên nên cô nghĩ do mình ăn uống không hợp lý và...
Nguồn: [Link nguồn]