60 tuổi muốn có con với vợ trẻ, có phải xin tinh trùng?
Tôi kết hôn lần 2 với vợ trẻ hơn 22 tuổi và cô ấy muốn có con. Nhưng tôi thấy bạn tôi cùng tuổi bị chẩn đoán tinh trùng ít, kém di động nên hơi lo...
Bạn đọc Phạm K.H. (60 tuổi; quận 4, TP HCM), hỏi: Vợ sau của tôi 38 tuổi và chưa kết hôn lần nào, chưa từng có con nên rất mong ước được làm mẹ. Với tuổi 60 của mình, tôi còn hy vọng làm cha? Chúng tôi có khó có con hơn người khác không và bao lâu không có thì chúng tôi nên đi khám? Nếu thực sự tuổi tác làm tôi "yếu" thì có cách nào để tôi có con của chính mình hay phải đi xin tinh trùng? Tôi và vợ đều có sức khỏe ổn, có tập thể dục thường xuyên và sinh hoạt tình dục đều đặn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Tuổi mãn dục của nam giới thường là trễ hơn nhiều so với nữ giới, do vậy nam giới ở tuổi 60-70 vẫn có thể có con. Tuy nhiên, càng lớn tuổi thì chất lượng tinh trùng và hoạt động tình dục cũng giảm dần, vì hoạt động của tinh hoàn và tình trạng sức khỏe chung cũng giảm dần do hiện tượng lão hóa. Muốn đánh giá chất lượng tinh trùng anh cần đi khám ở các cơ sở y tế có khoa nam học, làm các xét nghiệm tổng quát và đặc biệt là xét nghiệm tinh dịch đồ (spermogram).
Khi có kết quả tinh dịch đồ, tùy theo các chỉ số phân tích về số lượng, độ di động, hình dạng tinh trùng… mà chúng ta có thể sơ bộ đánh giá khả năng thụ thai của tinh trùng và anh sẽ được tư vấn, hướng dẫn điều trị nếu có bất thường.
Vấn đề chính của vợ chồng anh bây giờ là vợ anh đã ở tuổi 38. Tuy cô ấy trẻ hơn anh nhiều nhưng ở phụ nữ 35-40, khả năng thụ thai giảm nhanh theo từng năm và các nguy cơ khi mang thai như bệnh lý sản khoa, biến chứng trong thai kỳ và trong khi sinh lại tăng dần. Sau 40, khả năng thụ thai giảm đi rất rõ.
Đó là lý do bác sĩ thường khuyên phụ nữ nếu có thể, nên có con trước tuổi 35 và cho dù có trì hoãn tuổi mang thai lắm thì cũng không nên quá 40. Vì vậy nếu muốn có con, anh chị nên có kế hoạch mang thai càng sớm càng tốt.
Với độ tuổi của anh chị, nếu sau khi lập gia đình, quan hệ mà không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong vòng 3 tháng mà vẫn chưa có con, 2 người nên đến các cơ sở y tế có khoa vô sinh – hiếm muộn để được thăm khám, xét nghiệm và tư vấn các biện pháp điều trị.
Ban đầu, anh chị sẽ được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ để tăng cơ hội có thai tự nhiên. Nếu biện pháp này thất bại thì có thể tiến tới biện pháp bơm tinh trùng vào lòng tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Nếu kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng trứng (noãn) của vợ và tinh trùng của chồng vẫn bảo đảm điều kiện thụ tinh thì không cần xin trứng hoặc tinh trùng từ nguồn khác.
Không có tinh trùng trong tinh dịch chiếm 30% các trường hợp vô sinh ở nam giới. Nếu được điều trị đúng, cơ hội làm...