6 biện pháp phòng ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Tại Việt Nam ung thư phổi chỉ đứng sau ung thư gan.
1. Không hút thuốc
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư phổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Do đó, nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bao giờ thử. Nếu bạn đã có con cái, hãy bắt đầu giải thích cho chúng hiểu về tác hại và sự nguy hiểm của thuốc lá để giúp chúng đối mặt tốt hơn với cám dỗ và áp lực của cuộc sống. Còn với bản thân những người đang hút thuốc, nên tập cai thuốc từ bây giờ.
2. Tránh hút thuốc thụ động
Hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Nếu bạn sống hoặc làm việc với người hút thuốc, hãy khuyên họ bỏ thuốc lá. Hoặc ít nhất, hãy yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài hoặc chủ động tránh xa. Bên cạnh đó, hãy hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc.
3. Phòng chống các yếu tố gây ung thư phổi khác
Phơi nhiễm với phóng xạ: Tiếp xúc với bức xạ là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Xạ trị (x-ray, gamma-ray…) cho bệnh nhân ung thư hay chụp cắt lớp cũng cần được xem xét. Liều bức xạ càng cao thì nguy cơ càng tăng. Những nhân viên làm việc ở khu vực gần bức xạ cũng cần được thông báo và có dụng cụ bảo vệ hợp lý.
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với các chất sau đây làm tăng nguy cơ ung thư phổi:
- Amiăng
- Asen
- Crom
- Niken
- Cadmium
- Bồ hóng
Những chất này có thể gây ung thư phổi với những người tiếp xúc với chúng tại nơi làm việc. Khi mức độ tiếp xúc với các chất này tăng lên, nguy cơ ung thư phổi cũng tăng theo. Nguy cơ ung thư phổi thậm chí còn cao hơn ở những người hút thuốc. Những làm việc trong các môi trường đó cần có các biện pháp bảo hộ hợp lý và vệ sinh bản thân thật cẩn thận, thường xuyên. Với những người sống gần các khu vực đó cũng cần phải vệ sinh kỹ càng, chọn lựa thực phẩm và rửa sạch chúng kỹ lưỡng hơn.
4. Cẩn trọng trước ô nhiễm không khí
Các nghiên cứu cho thấy những người sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã chỉ ra rằng, trong năm 2010, có 3,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới do ô nhiễm không khí, trong đó có 223.000 người mắc ung thư phổi. Do đó bạn cần có những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm lên bản thân như sau:
- Cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường.
- Từ bỏ và tránh xa khói thuốc lá;
- Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan chức năng chứng nhận.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống
- Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều vào các dịp lễ;
- Người dân ngoại thành không nên đốt rơm rạ khiến bầu không khí thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn;
- Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu, thay thế bếp than tổ ong;
- Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ;
- Trồng thêm cây xanh góp phần bảo vệ môi trường trong lành;
5. Có một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau quả
Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây hoặc rau quả có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn so với những người ăn lượng thấp. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại trái cây và rau quả sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Việc có một chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa hoặc giảm thiểu các nguy cơ của ung thư tái phát, ung thư thứ phát hoặc các loại bệnh mãn tính khác vẫn còn trong giai đoạn đầu. Kết quả từ những nghiên cứu dân số gần đây chỉ rằng việc duy trì cân nặng hợp lý, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và tham gia hoạt động thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư.
6. Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống trả tự nhiên của cơ thể đối với những yếu tố độc hại. Nhưng nghiên cứu mới hơn đã chỉ ra rằng tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư, mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống. Nếu bạn chưa tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần dần về sau.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiểu rõ những điều này về ung thư phổi sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ung thư phổi.