5 quan niệm sai lầm về sức khỏe nhiều người mặc nhiên cho là đúng
Qua nhiều năm, không ít hiểu lầm về sức khỏe đã “ăn sâu” trong suy nghĩ của một số người, đến mức chúng hiển nhiên được coi là sự thật. Cùng điểm lại 5 sự nhầm lẫn phản khoa học nhưng lại rất phổ biến.
1. Mặc áo lót có gọng, nhuộm tóc có thể gây ung thư
Theo Tiến sĩ Wong Seng Weng, Giám đốc y tế tại Trung tâm ung thư thuộc Singapore Medical Group (SMG), lâu nay vẫn tồn tại quan điểm cho rằng mặc những chiếc áo ngực có gọng dẫn đến nguy cơ ung thư vú. Niềm tin ấy càng được củng cố khi phụ nữ tại các nước Châu Phi - nơi mà việc sử dụng áo ngực ít phổ biến - tỷ lệ ung thư vú thấp hơn so đáng kể so với phương Tây. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chuyên sâu không tìm thấy bất kỳ một mối liên hệ nào.
Đối với thuốc nhuộm tóc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số chất nhuộm tóc có thể có nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư bàng quang. Tuy nhiên, rủi ro này rất thấp và nếu có thì chỉ ở nhóm làm việc tại các salon tóc, nơi người lao động thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất. WHO không xem xét việc sử dụng thuốc nhuộm trên mỗi cá nhân có khả năng gây ung thư.
Một số biện pháp phòng ngừa ung thư vú theo lời khuyên của Tiến sĩ Wong:
- Kết hôn trước 35 tuổi bởi việc mang thai và cho con bú được chứng minh là biện pháp hiệu quả làm giảm nguy cơ ung thư.
- Duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp.
- Hạn chế làm việc đêm và ngủ đủ giấc. WHO đã phân loại những người thường làm việc ban đêm trong nhóm nguy cơ "có thể gây ung thư", do tác động của ánh sáng vào ban đêm và sự cân bằng hóc-môn của cơ thể.
2. Bạn có thể tự mình thoát khỏi tình trạng trầm cảm
Tiến sĩ Lim Boon Leng, chuyên gia về tâm thần học tại Bệnh viện Gleneagles, cho biết bất cứ ai đang phải vật lộn với tình trạng này đều sẽ không thể tự mình thoát ra được. “Khi một người phụ nữ bị trầm cảm lâm sàng, quan điểm của người ấy sẽ trở nên tiêu cực quá mức. Để hồi phục, họ cần được điều trị với thuốc men và một số liệu pháp khác”, ông nói.
So với nam giới, nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi, có thể do sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường. Nguy cơ trầm cảm cao ở những người đang trải qua những thay đổi lớn về cuộc sống như sinh đẻ, mất người thân hay trong giai đoạn trước và sau mãn kinh. Trầm cảm cũng có khả năng tái diễn.
Người trầm cảm không thể tự giải quyết được căng thẳng và điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề và càng cảm thấy bế tắc hơn, lại càng làm tăng mức độ trầm cảm, dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Hậu quả của chứng trầm cảm là rất nặng nề khi không được điều trị, có thể dẫn đến chán nản với công việc cũng như hôn nhân, thậm chí có những hành vi tiêu cực như tự tử.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nếu các dấu hiệu dưới đây tồn tại trong hơn hai tuần:
- Tâm trạng lo âu, mệt mỏi.
- Không còn quan tâm đến công việc, đời sống xã hội hoặc những sở thích trước đây.
- Gặp các vấn đề về giấc ngủ hay trọng lượng cơ thể.
- Kém tập trung.
- Dễ mệt mỏi và bị kích động.
- Cảm giác tội lỗi và mất tự tin quá mức.
- Có tư tưởng hoặc hành vi tự sát.
3. Thừa mỡ, cảm giác buồn chán và không có ham muốn sex là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ mãn kinh
Điều này không đúng hoàn toàn với tất cả phụ nữ. Theo Tiến sĩ Julinda Lee (Trung tâm Y tế và Vệ sinh của SMG), việc giảm dần lượng estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn tới các triệu chứng như thay đổi tâm sinh lý, mệt mỏi và tăng cân, đặc biệt là vùng eo.
Nó cũng có thể làm đời sống tình dục của người phụ nữ thay đổi theo hướng hầu như không còn ham muốn và đau đớn do tình trạng khô âm đạo. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lee cho biết: "Không ít người có thể vượt qua giai đoạn mãn kinh mà không gặp nhiều trở ngại. Không có một cách tiếp cận nào là duy nhất cho tất cả mọi người". Duy có điều này thì đúng, đó là những thay đổi hóc-môn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng viêm khớp, loãng xương và bệnh tim.
Từ đó, Tiến sĩ Lee đã đưa ra một số gợi ý để khắc phục những tình trạng này:
- Cải thiện sức khoẻ bằng cách ăn kiêng, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có chuyên môn thay vì làm theo lời khuyên của bạn bè vì không có một cách tiếp cận duy nhất cho tất cả mọi người.
- Sử dụng estrogen âm đạo cũng là một lựa chọn an toàn cho phụ nữ bị khô âm đạo và đau đớn khi quan hệ.
4. Bệnh tim là vấn đề của nam giới
Cùng với đột qụy, bệnh tim là thủ phạm gây tử vong hàng đầu của phụ nữ ở Singapore, chiếm 1/3 tổng số ca. Tiến sĩ Goh Ping Ping, giám đốc Quỹ tim mạch Singapore cho biết bệnh tim và đột qụy thường gặp ở nam giới hơn nữ giới khi còn trẻ nhưng nguy cơ này với phụ nữ lại tăng sau thời kỳ mãn kinh và tỷ lệ tường đương nam giới.
Theo đó, ở nữ giới, các triệu chứng bệnh tim có phần phức tạp và không điển hình, bao gồm khó thở, khó tiêu, tê tay, đau cổ hoặc quai hàm, nhịp tim không đều hay chỉ đơn giản là mệt mỏi.
Những triệu chứng này thường bị hiểu lầm với các bệnh khác như dạ dày. Đó là lý do tại sao các cơn đau tim ở phụ nữ dễ dẫn đến tử vong hơn nam giới bởi rất khó phát hiện.
Để có một trái tim khỏe mạnh, các bác sĩ khuyên mọi người nên:
- Kiểm soát chế độ ăn uống, giảm lượng đường, muối và chất béo no. Tránh chất béo chuyển hóa thường có trong thực phẩm chế biến sẵn và các món nướng.
- Kiểm tra định kỳ sức khỏe hàng năm nếu bạn trên 40 tuổi với các các chỉ số trọng lượng cơ thể, huyết áp, cholesterol và lượng đường.
- Tập thể dục với cường độ vừa phải, đủ để bạn đổ mồ hôi và hít thở sâu mà không cảm thấy khó chịu. Để có hiệu quả tối đa, hãy thực hiện hỗn hợp các bài tập aerobic (chạy bộ, đạp xe, bơi lội) và cơ bắp. Tập thể dục 5 lần một tuần, mỗi lần 30 phút là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe trái tim.
5. Loãng xương là bệnh của người cao tuổi
Ở Singapore, số ca gẫy xương do loãng xương đã tăng gấp 5 lần ở nữ giới tuổi từ 50 trở lên trong vòng 30 năm qua. Trong khi tỉa xương thường xảy ra theo tuổi tác, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu xây dựng một ngân hàng xương chắc từ tuổi thơ ấu.
Khối lượng xương của cơ thể tăng lên và đạt đỉnh vào khoảng 30 tuổi. Sau đó, cơ thể bắt đầu tình trạng mất xương nhiều hơn là được tạo hình mới. Tiến sĩ Leon Foo, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth, cho biết quá trình này tăng nhanh theo độ tuổi, và thậm chí còn nhiều hơn ở phụ nữ mãn kinh khi estrogen nữ suy giảm nhưng không phải là tất cả.
Để phòng ngừa loãng xương, bạn hãy:
- Cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D. Lượng canxi cần thiết hàng ngày là 800mg đối với người từ 19 đến 50 tuổi và 1.000mg đối với thanh thiếu niên, phụ nữ có thai hay đang cho con bú sữa mẹ và phụ cũng như người trên 50 tuổi. Đối với vitamin D, các bác sĩ khuyến cáo nên tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời bằng cách tắm nắng hai lần một tuần, mỗi lần khoảng 5 đến 30 phút.
- Kiểm tra mật độ xương thường xuyên. Xét nghiệm mật độ xương hàng năm được khuyến cáo ở nhóm nguy cơ cao mắc chứng loãng xương
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe như rối loạn tuyến giáp hay việc sử dụng steroid kéo dài có thể ảnh hưởng đến xương.