5 hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng vì stress
Một nghiên cứu tiến hành bởi tạp chí Journal Cell đã lý giải tại sao những người thường căng thẳng lại bị bạc tóc sớm. Ở những người bị stress, sự căng thẳng ảnh hưởng tới các tế bào sắc tố chịu trách nhiệm chi phối màu tóc và chuyển chúng thành màu trắng.
1. Bạc tóc, hói đầu
Không chỉ thay đổi màu tóc, làm bạn trông già đi, stress còn là nguyên nhân của chứng rụng tóc, hói đầu. Thông thường, mất 3-4 tháng tóc mới rụng và mỗi ngày chúng ta mất khoảng 100 sợi tóc.
Nhưng với những người thường xuyên bị căng thẳng, thời gian tóc rụng rút ngắn lại và số lượng tóc rụng cũng nhiều hơn.
2. Lão hóa da
Không cần các nhà khoa học phải bắt tay vào kiểm chứng, rất nhiều phụ nữ đã sớm nhận thấy những căng thẳng trong cuộc sống có tác động rất lớn tới làn da của họ. Điển hình là những người thường làm việc trước máy tính, những người chịu áp lực cao thường có làn da xấu xí, xỉn màu và dễ xuất hiện mụn, đốm nâu, nám.
Lão hóa da là dấu hiệu ban đầu của stress
3. Béo phì
Tác động của stress khiến hormon trong cơ thể mất cân bằng, điều này dẫn tới chứng thèm ăn vô độ. Người bị stress cảm thấy thỏa mãn khi được ăn những thứ họ thích mà không để ý đến lượng thức ăn nạp vào. Do đó, họ thường mất kiểm soát cân nặng của bản thân. Stress cũng làm bạn dễ tích mỡ ở phần bụng.
4. Suy giảm miễn dịch
Từ những năm 1980, các nhà khoa học đã tìm ra những liên quan giữa stress và sự suy giảm khả năng đề kháng của con người. Những nghiên cứu mới nhất cũng khẳng định các giả thiết khoa học trước đây là đúng. Khi bị stress, khả năng miễn dịch của cơ thể giảm đi rất nhiều. Các nhà khoa học cho biết, những người cô đơn, trầm cảm và stress thường dễ chết vì các bệnh lây nhiễm hơn.
Suy giảm miễn dịch cũng là một trong những dấu hiệu của stress
5. Tổn thương não
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, stress đã giết chết các tế bào não, dẫn tới các chứng tê liệt khác nhau. Các nhà khoa học tin rằng điều này cũng xảy ra tương tự ở con người sau một thời gian dài chung sống với stress.
Các nhà khoa học tại Mỹ đã cho quét não của những trẻ em bị ngược đãi, bạo hành từ bé, những người lính còn sống sót sau chiến tranh Việt Nam. Kết quả cho thấy, khu vực não chịu trách nhiệm ghi nhớ và lưu trữ ký ức của những người này đều bị tổn thương nặng nề.
Hệ quả là họ không thể học nhanh như người bình thường, khả năng tập trung và lên kế hoạch kém, hay quên.