5 căn bệnh cần kiểm soát chặt chế độ ăn uống, nhất là ngày Tết nếu không muốn bệnh trở nặng
Những người bị bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gan, thận, cao huyết áp, gout, tiêu hóa… cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những ngày Tết.
Theo thống kê thì cứ mỗi dịp Tết đến, số lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý mãn tính lại tăng cao. Những bữa ăn quá nhiều chất, không theo giờ giấc sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn. Nhẹ thì gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lý khác về dạ dày, gan, mật, tụy, tiểu đường, tim mạch, huyết áp…
Ảnh minh họa
Để tránh những cơn đau cấp tính khởi phát và bệnh mãn tính tái phát dịp Tết, chúng ta cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày,…
Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc. Tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói hay liên tục suốt những ngày Tết.
Mọi người cần chú ý ăn uống điều độ, đúng giờ, hạn chế các thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, hà, các quả chua,…đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối.
5 căn bệnh cần kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn
Chế độ dinh dưỡng có vai trò vô cùng to lớn đối với người có bệnh mạn tính. Nếu không chú ý thì chính việc ăn uống lại là "con dao hai lưỡi" khiến người bệnh trở nặng hơn.
Người mắc các bệnh mãn tính không thể thiếu rau xanh trong thực đơn ngày Tết. Ảnh minh họa
Bệnh tiểu đường
So với các loại bệnh mãn tính khác thì đây là đối tượng cần kiểm soát chế độ ăn uống chặt chẽ nhất.
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế các món ăn truyền thống ngày bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, thịt nguội,… Thực đơn ngày Tết tốt nhất cho những người bệnh tiểu đường là các loại rau xà lách, món khổ qua nhồi thịt nạc và cần nhất quyết "nói không" với các loại bánh mứt.
Bệnh gan
Nên hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ hoặc giàu đạm. Nguyên nhân là do gan không đủ sức chuyển hóa hết các chất nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Chưa kể lượng amoniac sinh ra từ chuyển hóa đạm không được gan xử lý hết cũng sẽ tạo urê gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, người bệnh gan vẫn cần duy trì chế độ ăn nhạt, kiêng các loại đồ ngọt. Đặc biệt với những người viêm gan và xơ gan, cần kiêng rượu bia, nhất là rượu nặng.
Cao huyết áp
Người bị cao huyết áp hoặc suy tim rất dễ phát bệnh nếu ăn với chế độ nhiều muối và giàu đạm. Vì vậy, người bị huyết áp và bệnh tim nên sử dụng những món ăn nhạt, ít béo và giàu canxi. Đồng thời, hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao như dưa muối, đồ hộp, chả giò, lạp xưởng, khô mực, tương chao, cá khô.
Việc hạn chế rượu bia, các món ăn nhiều thịt, nhiều mỡ (thịt kho tàu, bánh chưng,…) là điều cần thiết đối với các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành.
Bệnh thận
Người bệnh thận thường bị cao huyết áp, nên cũng rất cần duy trì chế độ ăn lạt. Điều quan trọng trong bữa ăn của người bệnh thận là cần đảm bảo độ đạm khoảng 50-60 gam/ngày từ nguồn thịt động vật. Lưu ý bỏ da động vật khi chế biến.
Người bệnh thận cũng cần kiêng khem các loại trái cây nhằm tránh tình trạng tăng kali trong máu quá mức. Do đó, những loại trái cây có hàm lượng kali cao mà người bệnh thận cần tránh gồm dưa hấu, quýt, thơm (dứa), chuối, bơ, lựu…
Bệnh gout
Những người bị gout nên kiêng hoặc hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật (gan, thận, não, tụy…), thịt heo, dê, bò, cừu, gà, vịt, ngan, ngỗng, thịt hun khói, chim cút, cá chạch, cá hồi, lươn, nghêu, sò, cua, rau câu, đậu Hà Lan, nấm…
Ngoài ra, người bệnh gout cũng cần hạn chế các loại nước uống có tính kích thích như trà đặc, cà phê, rượu trắng, và các phụ gia như hạt tiêu, ớt, hạt hồi, quế…
Nem chua là một món ăn truyền thống được làm từ thịt lợn lên men, kích thích sự thèm ăn, nhưng không phải ai cũng có thể...
Nguồn: [Link nguồn]