5 bài thuốc phòng, trị viêm mũi dị ứng

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Viêm mũi dị ứng là một chứng bệnh rất phổ biến, mọi lứa tuổi đều có thể bị, song những người có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc hơn.

Người bệnh hắt hơi nhiều, chảy nhiều nước mũi, ngạt mũi, tắc mũi và kèm theo chảy nước mắt. Viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm, song cũng gây rất nhiều phiền toái trong giao tiếp.

5 bài thuốc phòng, trị viêm mũi dị ứng - 1

Viêm mũi dị ứng rất phổ biến, người bệnh thường hắt hơi nhiều, chảy nhiều nước mũi, ngạt mũi, tắc mũi và kèm theo chảy nước mắt…

Theo y học hiện đại, viêm mũi dị ứng là do có dị nguyên tác động vào mũi, lập tức cơ thể (mũi) sẽ phản ứng lại bằng một kháng thể, sinh ra histamin - là nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng được phân chia thành:

Viêm mũi dị ứng mùa xuân: khí hậu nóng ẩm, ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, ra hoa, các phấn hoa, lông của cánh hoa, đài hoa... lẫn vào môi trường không khí, con người hít phải, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết ra các histamin, gây ra các triệu chứng nói trên.

Viêm mũi dị ứng quanh năm, không theo mùa: các kháng nguyên rất đa dạng, như bụi nhà, hơi, khí cống rãnh, nước thải, sống trong môi trường bị ô nhiễm...

Viêm mũi dị ứng theo nghề nghiệp: tác nhân là các sợi bông, lông, len, dạ, khí SO2, FeO, khí gas...

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng có ngoại nhân và nội nhân. Về ngoại nhân, có 6 nguyên nhân (lục dâm): phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Trong đó có 3 nguyên nhân trực tiếp, ảnh hưởng nhất đến viêm mũi dị ứng là phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm ướt). Về nội nhân có nguyên nhân: hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. Trong đó “ưu” trực tiếp ảnh hưởng đến mũi, đến phế (ưu sầu hại phế).

Cách phòng trị viêm mũi dị ứng theo y học cổ truyền

Để cắt các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi tức thì, cần:

Day bấm mạnh vào một số huyệt quanh vùng mũi:

Hai huyệt nghinh hương: nằm ngang với phía dưới cánh mũi, ngang ra 2 bên khoảng 5mm.

Hai huyệt tứ bạch: nằm cách chỗ lượn của góc sống mũi và cánh mũi, ngang ra hai bên, khoảng 5mm.

Huyệt tố liêu: chỗ nhô cao của đầu mũi. Dùng đầu ngón tay trỏ ấn mạnh nhiều lần vào huyệt.

Các huyệt này có tác dụng tức thì và lâu dài. Hằng ngày có thể tác động nhiều lần.

5 bài thuốc phòng, trị viêm mũi dị ứng - 2

Xông mũi nước sắc lá bạc hà và cúc hoa vàng, sau đó gạn lấy nước thuốc uống ấm trị viêm mũi dị ứng rất tốt.

Thuốc hít:

Có thể dùng các ống “hít”chứa methol ngửi nhẹ trước khi có cảm giác dị ứng mũi sắp xảy ra; hoặc dự đoán có thể xảy ra. Vì ở những người cơ địa dễ dị ứng “hắt hơi, chảy nước mũi...” thường có các phản xạ nhạy cảm, thường có thể biết trước, như khi ngửi thấy mùi lạ: nước hoa, hơi, khí lạ... hoặc nơi xảy ra sự mất cân bằng về áp suất không khí: từ trong phòng ra ngoài, hoặc ngược lại... nơi có sự chênh lệch về nhiệt độ: phòng điều hòa ra, hoặc ngược lại...

Thuốc uống:

Bài 1: kim ngân hoa: mỗi ngày dùng 6g hoa, hoặc 12g kim ngân cuộng. Sắc uống, ngày 2-3 lần trước bữa ăn. Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, chống viêm mũi dị ứng rất tốt.

Bài 2: kim ngân hoa 6g, ké đầu ngựa 3g. Sắc uống, ngày một thang chia 2-3 lần trước bữa ăn, sẽ tăng thêm tác dụng chống dị ứng.

Bài 3: kim ngân hoa, liên kiều (bỏ hạt), mỗi vị 6g; ké đầu ngựa 3g. Sắc uống như trên.

Bài 4: bạc hà 12g, cúc hoa vàng 6g. Sắc 15-20 phút; xông hơi vào mũi khoảng 3-5 phút. Sau đó gạn lấy dịch thuốc uống ấm. Ngày 2 lần sáng và tối.

Bài 5: ngũ sắc (cây hoa cứt lợn) 12g, cóc mẳn 10g. Sắc uống ngày một thang, chia hai lần trước bữa ăn.

Hoặc có thể lấy từng loại cây tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, nhỏ vào mũi, nhiều lần trong ngày.

4 món ăn trị viêm mũi dị ứng

Y học cổ truyền bàn đến viêm mũi dị ứng từ rất sớm trong phạm vi chứng “Tỵ cừu” với nguyên nhân chủ yếu là do...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN