Đó là ca bệnh COVID-19 thứ 24 cô gái trẻ gọi điện truy vết dịch tễ, từ 28/1 đến nay. "Chỉ cần bệnh nhân hợp tác trả lời thông tin một cách chi tiết, chính xác là em thấy vui rồi" – Nguyễn Thái Bình, sinh viên năm thứ 6, hoa Y học dự phòng thuộc Đại học Y Hà Nội, nói chiều 30/1.
Bình là một trong gần 200 thành viên gồm chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên Tổ Thông tin đáp ứng nhanh (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19). Họ đã cùng nhau chống dịch tròn 1 năm nay. Bền bỉ, thầm lặng.
Trong đợt dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh này, gần 60 người thường xuyên có mặt tại đây suốt ngày đêm. Căn phòng rộng chừng 70m2, luôn xôn xao tiếng người. Liên tục các cuộc điện thoại cho từng ca bệnh COVID-19 (gọi là F0) để truy vết, điều tra dịch tễ. Nửa còn lại phân tích số liệu dữ liệu tổng hợp từ các nguồn để bổ sung, "vạch" ra các mốc dịch tễ hay chỉ điểm chuyến bay, nhà xe, quán nước… có F0.
Quy trình truy vết của Tổ bắt đầu từ nguồn tin về F1, F2 cũng như người dân khai báo. Sau khi có kết quả dương tính từ trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương và các phòng xét nghiệm, Tổ sẽ có nhóm tổng hợp và phân tích lại thông tin, bổ sung qua gọi điện phỏng vấn bệnh nhân và đưa ra chi tiết các mốc dịch tễ quan trọng. Từ đây, Tổ phối hợp với các địa phương để bổ sung vào danh sách F1, F2. Song song với đó, thông tin này sẽ là căn cứ để gửi ngay cho Bộ Y tế những địa điểm quan trọng trong các thông báo khẩn tìm người từng tới nơi có F0.
Còn anh Lê Công Thành, phụ trách đội IT của Tổ, ví các thông tin ban đầu như những mảnh ghép nhỏ. Nhiệm vụ của Tổ là thu thập, bổ sung, phân tích và tổng hợp lại nhằm tạo ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch.
Nhóm chuyên gia cấp cao của Tổ sẽ nhận thông tin đã được các bộ phận khác xử lý sau đó đưa ra kết luận và chỉ đạo dựa trên chuyên môn về dịch tễ học. Các kết luận này sẽ được gửi đến Bộ Y tế, địa phương, qua đó đề xuất phương án như giãn cách, phong tỏa..., tại một khu vực cụ thể.
Sáng 27/1, ngay khi có thông tin từ phía Nhật Bản về trường hợp nữ công nhân Công ty Poyun, quê Hải Dương, nhiễm chủng mới của SARS-CoV-2, sau đó phát hiện nữ công nhân khác cùng công ty mắc COVID-19 (BN1552), Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã tổ chức cuộc họp khẩn, trong đó có Tổ thông tin đáp ứng nhanh.
"Phân tích dữ liệu cho thấy, nữ công nhân ở Nhật Bản nhiễm chủng mới của SARS-CoV-2, các chuyên gia đã lường trước có khả năng nguy hiểm bởi biến chủng mới có khả năng lây lan rất nhanh", Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh, chia sẻ.
Tại Hà Nội, từ tối 27/1, các chuyên gia nhận định có 2 khả năng về vùng tâm dịch. Một là vùng dân cư nơi có hai ca dương tính, hai là Công ty Poyun – nơi hai công nhân này làm việc. Phương án thứ 2 được nhiều người nghĩ đến. Thực tế đã chứng minh, dù tới nay đã có gần 170 bệnh nhân COVID-19 từ ổ dịch này, nhưng các vùng dân cư xung quanh, hay các công ty bên cạnh, đều không có ca dương tính.
Công ty Poyun có khoảng 2.300 công nhân, đa số là nữ, có con nhỏ. Họ làm việc theo ca, thường đưa con đi học. Đây là điểm lưu ý trong quá trình truy vết được Tổ đưa ra. Công nhân công ty không giao lưu với các công ty bên cạnh trong cụm khu công nghiệp. Đây là điều "may mắn" trong dịch tễ.
Tuy nhiên, trước khi phát hiện ra những ca bệnh đầu tiên, tại đây có nhiều sự kiện tập thể trong công ty, các phân xưởng và các nhóm. Trong khi đó, công nhân tham dự sự kiện tiếp xúc không đeo khẩu trang.
"Biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh. Trong điều kiện trên đây nguy cơ lây lan càng nhanh hơn"- ông Duy nói.
Ngay lập tức các chuyên gia và tình nguyện viên thuộc Tổ thông tin đáp ứng nhanh được triệu tập, nhằm ghi nhận và phân tích thông tin ca dương tính. Một nhóm sẽ gọi điện ngay cho bệnh nhân ở Việt Nam (BN1552), nhóm còn lại nối máy với bệnh nhân ở Nhật Bản, làm sao thông tin có càng sớm, càng chi tiết càng tốt. Nguyễn Thái Bình, là người được phân công phỏng vấn BN1552.
"Cuộc điện thoại kéo dài 6-7 phút, chị ấy lúc bấy giờ đã được chuyển cách ly điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, rất hợp tác, trả lời rành mạch tất cả câu hỏi. Từ việc ăn với ai, đi chợ nào, mua hàng ở đâu, trên đường đi làm ghé ở đâu, gửi xe chỗ nào… Điều quan trọng là bệnh nhân cung cấp thông tin về những sự kiện, địa điểm tập trung đông người đã đến" – Bình bảo rằng sự hợp tác chia sẻ thông tin đó là cơ sở rất quan trọng để khoanh vùng, phân tích dữ liệu.
Việc gọi điện phỏng vấn bệnh nhân COVID-19 và đưa ra các mốc dịch tễ quan trọng, nhất là các sự kiện đông người (đám cưới, hội họp…), địa điểm hay phương tiện giao thông công cộng… là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ. Đây sẽ là thông tin quan trọng để Bộ Y tế đưa ra các thông báo khẩn phát đi tới từng người dân.
Trong 48 giờ đồng hồ từ khi triển khai truy vết dịch tễ ca bệnh, nhờ sự phối hợp thông tin từ nhiều người không may nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc người nhiễm, từ họ hàng, gia đình, đồng nghiệp… những nhà truy vết đã "note" ra các mốc dịch tễ, nhanh chóng cùng chính quyền địa phương lập danh sách F1, F2, F3 để cách ly, xét nghiệm…
"Truy vết càng nhanh, mục tiêu dập dịch gọn, chặn đứng sự lây lan của dịch trong vài ngày tới là hoàn toàn có thể" - Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy
Nhiều bản đồ dịch tễ tại TP Chí Linh được dựng lên nhanh chóng. Một bản đồ địa giới COVID-19 chi tiết tới tận từng thôn, xã với nhiều màu sắc. Một bản đồ vệ tinh với các ca F0 được cập nhật liên tục, chi tiết từ dịch tễ lịch trình tới biểu hiện bệnh. Ông Duy đánh giá "công tác truy vết đến nay tương đối sát, đầy đủ những thông tin liên quan ca bệnh" chỉ trong 48 giờ.
Theo tính toán, mầm bệnh "lọt" vào công ty từ khoảng ngày 10/1 từ đó lây lan ra khắp các phân xưởng của công ty này. Theo Thứ trưởng Duy, tâm dịch là Công ty Poyun đến nay có thể nói đã trong tầm kiểm soát.
"Tâm dịch đã chặn được, giờ phải chặn từng nhánh nhỏ. Vì nếu nhánh nhỏ không chặn nhanh sẽ tạo thành ổ dịch lớn" – ông Duy nói. Điều đáng lưu ý là từ 17/1 – ngày phát hiện nữ công nhân dương tính ở Nhật – đến nay đã gần 2 tuần. Quá trình truy vết cho thấy, nhiều F0 tham dự các đám cưới. Những người tham dự sự kiện đông người có F0 đã tản đi khắp địa phương trong cả nước.
Do đó, việc công bố các sự kiện tập trung đông người như đám cưới, tiệc cuối năm, hội nghị, quán cafê… chính là cách để người dân cùng biết, cùng khai báo (nếu đến đó hoặc biết người từng đến đó), nghĩa là cùng hợp tác vào cuộc truy vết để dập dịch nhanh gọn.
Một "ma trận" truy vết
Chuyên gia Tổ Thông tin đáp ứng nhanh lấy ví dụ từ thông báo khẩn của Bộ Y tế về đám cưới hôm 18/1 ở Nam Sách (Hải Dương) đưa dâu về Ba Vì (Hà Nội). Từ thông tin khai thác của BN1612 từng tham dự đám cưới, Bộ Y tế phát đi thông tin về sự kiện này để những người từng tham dự/biết có người tham dự nhanh chóng liên hệ y tế để được hướng dẫn cách ly, xét nghiệm. Từ đây, nhà chức trách đã phát hiện một số trường hợp dương tính đã về các tỉnh (như TP HCM hay Gia Lai).
Theo ông Nguyễn Thế Trung - Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh, điều đáng nói, trong đợt dịch này, lượng người dân là F1 khai báo (trực tiếp liên hệ y tế hoặc qua các phần mềm khai báo) hiện rất ít, chỉ chiếm khoảng 1% trong số các trường hơp F1 đã truy vết được. Cùng đó, vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 không hợp tác trong khai báo dịch tễ, không chỉ thông tin "nhỏ giọt" thậm chí còn "tắt máy, chặn số".
"Việc thiếu hợp tác của bệnh nhân COVID-19 hoặc F1 thiếu tự giác khai báo sẽ khiến công tác truy vết mất nhiều thời gian, thậm chí bỏ lọt lượng lớn F1, F2" – ông Trung bày tỏ "rất sốt ruột" trong "cuộc chiến về tốc độ" này vì virus lây lan nhanh thì càng phải xử lý thông tin nhanh, ứng phó nhanh.
"Chúng tôi rất cần với những người dân tự thấy mình có thể thuộc diện F1, F2, ngoài cách ly, đeo khẩu trang hãy tự giác khai báo y tế bằng các phần mềm có sẵn như Ncov, Bluzone hoặc liên hệ y tế để thông báo tình trạng của mình. Điều này vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa hợp tác giúp cộng đồng chống dịch…", Tổ Thông tin đáp ứng nhanh truyền đi thông điệp, đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu đi lại của người dân rất lớn./.