400.000 người chết mỗi năm vì bệnh không lây nhiễm

Sự kiện: Ung thư Sống khỏe

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

400.000 người chết mỗi năm vì bệnh không lây nhiễm - 1

Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do hút thuốc lá

Tại Hội nghị Phòng, chống bệnh không lây nhiễm khu vực phía Nam do Bộ Y tế  tổ chức tại TP.HCM ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 400.000 người chết vì các bệnh không lây nhiễm, trong đó 40% tử vong trước 70 tuổi.

Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm phổ biến là tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, số người mắc bệnh không lây nhiễm hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng: Có 18,9% người từ 18 tuổi trở lên bị tăng huyết áp; 4,1% người bị tăng đường máu; trên 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính; 125.000 người mắc ung thư mới mỗi năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội, chiếm 66% gánh nặng bệnh tật. Nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm được xác định là do lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau củ quả, ăn quá mặn hoặc lười vận động,... trong khi đó, công tác dự phòng, quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm còn rất kém.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, chỉ có khoảng 40% người biết mình bị tăng huyết áp; 49% nam giới hút thuốc lá; 77% người dân uống rượu trong đó có hơn 11% người uống tới mức nguy hại. Tỷ lệ sử dụng muối ăn của người Việt Nam cao gấp 2 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khi lại lười vận động thể lực hơn.

Bệnh không lây nhiễm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế, như Thứ trưởng Nguyễn Thành Long gọi đây là “cơn đại thủy triều đỏ” tấn công Việt Nam. Hệ thống phòng chống đã được thiết lập từ tuyến trung ương đến địa phương, tuy nhiên, công tác triển khai chưa thực sự quyết liệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, công tác dự phòng bệnh không lây nhiễm chưa làm đến nơi đến chốn, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phòng ngừa bệnh. Việc dự phòng không rốt ráo, việc điều trị dựa vào cộng đồng cũng chưa làm được đang làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng quá tải bệnh viện và giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống của người dân.

Tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, bệnh không lây nhiễm gây ra gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD vì mất năng suất lao động do các bệnh không lây nhiễm gây ra.

Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do hút thuốc lá. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch và đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp sớm rất tốt thì tại Việt Nam, tỷ lệ tim mạch và đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Để hạn chế sự gia tăng và sự nguy hiểm của bệnh không lây nhiễm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã đề ra mục tiêu, từ nay đến năm 2025, chỉ còn 20% số ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm; trong đó giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại và kiểm soát để tỷ lệ thừa cân béo phì dưới 15%, tăng huyết áp dưới 30%, đái tháo đường dưới 8%...

Vì thế ngành y tế các cấp cần tập trung cho truyền thông và phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm; chủ động phòng ngừa các loại bệnh đã có vaccine phòng ngừa; đầu tư cho chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ các bệnh này trong cộng đồng.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi không thể bỏ qua

Thời gian gần đây liên tục có các nghệ sĩ qua đời vì ung thư phổi, căn bệnh ung thư hàng đầu và có tỷ lệ tử vong cao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Infonet)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN