4 nguyên tắc bảo vệ "vùng kín"
Việc giữ gìn vệ sinh "vùng kín" và thực hành an toàn tình dục sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ khả năng sinh sản của chị em.
Vì vậy, đừng bỏ qua 4 nguyên tắc giữ vô cùng quan trọng sau đây nhé vì chúng chính là "hàng rào" giúp chị em bảo vệ khả năng sinh sản của mình.
1. Vệ sinh "vùng kín"
Bình thường, bên trong "vùng kín" của người phụ nữ bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại, các loại vi khuẩn này cân bằng với nhau tạo môi trường âm đạo khỏe mạnh. Việc vệ sinh "vùng kín" không phải chỉ để tránh mùi khó chịu mà nó còn vô cùng cần thiết trong việc loại bỏ các vi trùng và vi khuẩn gây bệnh trú ngụ bên trong.
Do đặc điểm cấu tạo của hệ sinh dục nữ giới mà lỗ âm đạo và tiết niệu, hậu môn khá gần nhau nên khả năng vi khuẩn "xấu" xâm nhập từ cơ quan này sang cơ quan kia là rất dễ xảy ra. Nếu không vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ, vi khuẩn từ hậu môn sẽ có thể xâm nhập sang âm đạo và đường tiết niệu, gây nhiễm trùng âm đạo, viêm đường tiết niệu, nặng hơn thì sẽ dẫn đến nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng tử cung, buồng trứng... dẫn đến khó khăn trong việc có con của người phụ nữ.
Cách đơn giản nhất là nên vệ sinh "vùng kín" bằng nước sạch, tránh thụt rửa sâu vào trong hoặc lạm dụng các sản phẩm vệ sinh có tính kháng khuẩn hoặc mức axit cao. Thụt rửa âm đạo bằng vòi hoa sen sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập sâu vào trong âm đạo, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Các loại xà phòng hay dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính kháng khuẩn, axit cao dễ làm mất đi sự cân bằng môi trường axit trong âm đạo, các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt nên bộ phận này không có khả năng tự phòng bệnh.
Cách đơn giản nhất là nên vệ sinh "vùng kín" bằng nước sạch, tránh thụt rửa sâu vào trong âm đạo. (Ảnh minh họa)
2. Rửa tay trước khi có quan hệ tình dục
Để tránh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bất kì ai khi quan hệ tình dục cũng phải tuân thủ mục đích an toàn tình dục. Để đảm bảo đạt được mục đích này, khi có quan hệ tình dục, cả hai đều cần giữ vệ sinh, bao gồm cả vệ sinh "vùng kín" lẫn vệ sinh chân tay.
Nguyên tắc rửa tay trước khi làm "chuyện ấy" cần được áp dụng với cả hai người, bởi trong quá trình "giao ban", chắc chắn sẽ khó tránh khỏi khả năng tay người này chạm vào cơ thể người kia và vi khuẩn sẽ nhân dịp đó mà lây lan nhanh chóng. Nếu có tiếp xúc ở bộ phận sinh dục thì nguy cơ lây vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm "vùng kín", lây bệnh tình dục sẽ càng tăng. Một khi đã bị lây bệnh tình dục, chị em sẽ phải đối mặt với nguy cơ khó khăn trong chuyệnhả năng sinh sản.
Trong trường hợp một người không cắt móng tay thì thậm chí có thể gây nguy hiểm cho "đối tác" ở chỗ làm xước, rách "vùng kín". Ngón tay hoặc "vùng kín" có vết xước thì khả năng lây nhiễm bệnh qua đường tình dục càng cao.
3. Tránh quan hệ tình dục trong 2 ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt
Mặc dù hầu hết các chuyên gia sức khỏe đều cho rằng bạn không nhất thiết phải kiêng "chuyện ấy" trong những ngày "đèn đỏ". Tuy nhiên, nếu có quan hệ tình dục trong những ngày này thì việc giữ gìn vệ sinh là rất quan trọng.
Trong những ngày "đèn đỏ", môi trường âm đạo luôn ẩm ướt nên rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn bất lợi phát triển mạnh và tăng nguy cơ bị viêm nhiễm. Đặc biệt, 2 ngày đầu thường là những ngày mà lượng kinh nguyệt ra nhiều nhất nên chị em càng cần chú ý thay băng vệ sinh thường xuyên và giữ cho "vùng kín" không quá ẩm.
Vì vậy, chị em nên kiêng chuyện tình dục trong 2 ngày này bởi khi có quan hệ tình dục, chị em sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ "đối tác" và các vi khuẩn (cả vi khuẩn có sẵn trong âm đạo lẫn vi khuẩn lây từ bạn tình) sẽ càng có cơ hội tiến sâu vào trong, gây ra nhiễm trùng âm đạo, đe dọa việc có con sau này.
Chị em nên kiêng chuyện tình dục trong 2 ngày đầu của kì "đèn đỏ". Ảnh minh họa
4. Tránh quan hệ tình dục bằng miệng
"Yêu" qua đường miệng cũng là một hình thức quan hệ tình dục. Nhưng chị em cần biết rằng, hình thức quan hệ tình dục này không an toàn hơn các hình thức khác bởi nó cũng có thể làm lây lan các bệnh tình dục.
Con đường lây lan của các vi khuẩn gây bệnh tình dục là theo dịch tiết sinh dục hoặc qua đường máu. Do đó, nếu thấy đối tác có vết loét quanh miệng hoặc gần bộ phận sinh dục, chị em nên cảnh giác và tốt nhất cần tránh có quan hệ tình dục ở bất kì hình thức nào. Các vi khuẩn từ cơ thể bạn tình sẽ xâm nhập sang cơ thể bạn qua các vết xước đó. Và nếu "vùng kín" hoặc miệng bạn cũng có vết xước thì vi khuẩn sẽ chui qua vết xước để vào máu của bạn, tăng tốc độ nhiễm bệnh nhanh hơn rất nhiều.