4 người bỏng nặng do bóng bay hydro phát nổ
Bóng bay hydro được bày bán ở nhiều nơi nhưng tiềm ẩn nguy cơ nổ bất cứ lúc nào
Ngày 31-3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thời gian qua liên tục tiếp nhận 4 trường hợp bỏng do bóng bay hydro phát nổ, các nạn nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng vùng mặt, cổ, cánh tay...
Theo các bác sĩ, bóng bay hydro được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí, đền chùa… hoặc dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội, nhưng ít ai biết rằng chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, người cầm bóng bay hydro cần tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm.
Đặc biệt, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.
Bóng bay hydro được xem là "quả bom" có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Ảnh minh họa
Khi bóng bay hydro phát nổ, khoảng cách cầm bóng lại thường gần với tay và mặt, vì vậy có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.
Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh không nên cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa, để tránh cháy nổ và rủi ro có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp bị bỏng do bóng bay hydro phát nổ, cần nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân bằng cách nhặt hết vụn bóng trên người, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che phủ bị tổn thương; ngâm phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh, có thể dùng vòi nước xối rửa ngay tại vị trí vết bỏng.
Đồng thời, băng bó vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Theo các chuyên gia, hiện nay các loại bóng bay thường dùng hai loại khí để bơm là hydro và heli. Tuy nhiên, heli là khí hiếm, điều chế rất khó và được bán rất đắt.
Do đó, hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí hydro - một loại khí rẻ, dễ sản xuất. Loại khí này khi ở gần nguồn lửa vô cùng nguy hiểm.
Chỉ cần tiếp xúc gần với tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy, hoặc bóng đèn, trời nắng… cũng khiến bóng bay phát nổ và tỏa nhiệt rất mạnh, gây hậu quả khó lường.
Bệnh nhi 8 tuổi bị bỏng 10% diện tích cơ thể, bỏng nghiêm trọng vùng mặt, ngực và hai bàn tay do laptop phát nổ khi đang sử dụng.
Nguồn: [Link nguồn]