4 ca tử vong liên quan cúm A/H1, Sở Y tế Bình Định ra văn bản khẩn
Tỉnh Bình Định đã ghi nhận 9 trường hợp bệnh nhân dương tính với cúm A/H1pdm, trong số đó 4 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, tính đến ngày 20/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm có địa chỉ tại TP. Quy Nhơn (4 trường hợp), huyện Phù Mỹ (3 trường hợp), thị xã An Nhơn (1 trường hợp) và huyện Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).
Trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại Phù Mỹ (3 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (1 trường hợp). Đáng chú ý, ca bệnh mắc cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong hai tuần gần đây.
Sở Y tế Bình Định yêu cầu các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời. Ảnh: Trương Định
Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã ra văn bản khẩn đề nghị các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm.
Theo đó, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh khi phát hiện trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm thì cần áp dụng ngay biện pháp cách ly y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh.
Cần nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh; các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng vi rút; xem xét thực hiện điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm; chủ động đảm bảo cơ số thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir phục vụ công tác khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện ngay các biện pháp truyền thông hướng dẫn phòng, chống cúm A/H1pdm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng cúm, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi…
Chủ động giám sát, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Tiếp tục triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gen để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các chủng vi rút nguy hiểm và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.
Đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh có biểu hiện của hội chứng cúm, các ca bệnh nghi ngờ cúm tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch và khoanh vùng, xử lý đúng hướng dẫn, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, để gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời.
Thực hiện thống kê, báo cáo các ca bệnh cúm ở trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Sở Y tế tỉnh Bình Định khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động tiêm phòng vắc xin cúm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
(NLĐO) – Ông T.V.T ở Bình Định đã tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm, biến chứng sốc nhiễm trùng/hội chứng Cushing do thuốc.
Nguồn: [Link nguồn]